Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Loạn các cuộc thi học đường

Lưu Ly - Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù Bộ GD&ĐT đã yêu cầu bớt nhiều cuộc thi nhằm giảm áp lực cho học sinh, tuy nhiên, nắm bắt được tâm lý và nhu cầu của các phụ huynh, nhiều đơn vị đã liên tục tổ chức những cuộc thi mang tầm quốc gia, quốc tế để học sinh thử thách bản thân. Tuy nhiên, rất nhiều cuộc thi đã biến tướng tổ chức thi chỉ để thu tiền, thay vì tìm kiếm tài năng.

Bài 1: Những cuộc thi gây tranh cãi
Thời gian qua, có nhiều cuộc thi mang thương hiệu "quốc tế", "quốc gia" liên tục được tổ chức dành cho học sinh đã gây nhiều tranh cãi. Phụ huynh bức xúc về cách thức tổ chức cũng như kết quả của cuộc thi sau khi được công bố.
Phụ huynh, học sinh cuốn vào “vòng xoáy”
Đến thời điểm hiện tại, đã có nhiều bài viết phân tích, phản ánh về việc ngành giáo dục và các đơn vị khác liên tiếp tổ chức các cuộc thi thu hút học sinh, phụ huynh tham gia, cổ vũ. Đơn cử như cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia, kỳ thi Toán quốc tế Kangaroo...
Việc các cuộc thi bùng nổ như “nấm mọc sau mưa” khiến dư luận luôn đặt câu hỏi: Không biết điều gì đã khiến nhiều đơn vị đua nhau tổ chức thi đến vậy?
Điều bất cập ở chỗ, đối tượng tham gia thường là học sinh từ lớp 1 đến lớp 12. Tuy nhiên, ban tổ chức cuộc thi vẫn để học sinh tiểu học và học sinh lớp 12 cùng trả lời các câu hỏi giống nhau.
 Một cuộc thi được tổ chức tại Hà Nội mới đây gây bức xúc cho phụ huynh về cách thức tổ chức thiếu chuyên nghiệp. Ảnh: Nguyễn Tâm
Điều đáng nói, những cuộc thi cấp trường, cấp quốc gia, quốc tế và đặc biệt là các cuộc thi được phát động trên mạng xã hội, ngay khi được phát động, rất nhiều phụ huynh, học sinh bị cuốn vào “vòng xoáy” tham gia chỉ để lấy danh hiệu, cộng điểm thành tích, làm đẹp hồ sơ để đi xin học.
Chị Nguyễn Minh Châu (Khu đô thị Văn Quán, Hà Đông) bức xúc sau khi đóng tiền cho con thi Toán quốc tế Kangaroo - IKMC năm 2019. Chị cho biết, cuộc thi được giới thiệu rất hoành tráng, nhiều phụ huynh đăng ký cho con tham gia nhưng mãi đến khi kết thúc năm học rồi vẫn chưa nhận được kết quả.
Thực tế, đã có nhiều cuộc thi “vỡ trận” do cách tổ chức không bài bản khiến nhiều phụ huynh bức xúc, nhưng sau đó lại “tặc lưỡi” tiếp tục đăng ký cho con tham gia cuộc thi kế tiếp. Thậm chí nhiều khi, phụ huynh không biết rõ cuộc thi do đơn vị nào cấp phép tổ chức, quản lý nhưng vẫn cứ cho con tham gia.
Khảo sát của phóng viên Kinh tế & Đô thị cho thấy, các cuộc thi được tổ chức thường xuyên, trong số đó, không ít cuộc vô bổ đối với học sinh. Nhưng vì lợi nhuận “khủng”, nhiều đơn vị vẫn tiếp tục tổ chức và có những chiêu trò thu hút học sinh, phụ huynh tham gia, dù chưa hẳn để tìm kiếm tài năng.
Nghi ngờ tính minh bạch

Mục đích chính là mang về lợi nhuận “khủng” nên có không ít cuộc thi được tổ chức cẩu thả, thậm chí nhiều cuộc thi bị nghi ngờ không khách quan, thiếu minh bạch. Đơn cử, cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia 2019 (ViSEF) của Bộ GD&ĐT, Ban tổ chức đã trao 15 giải Nhất và nhiều giải thưởng khác cho học sinh có dự án xuất sắc.

Tuy nhiên, sau khi trao giải, một số phụ huynh, học sinh đã có đơn “tố” cuộc thi không công bằng. Phụ huynh N.T.S., N.V.T., và V.T.X.H. cùng bày tỏ bức xúc: Một số đề tài đạt giải Nhất có dấu hiệu vi phạm quy chế, quy định của cuộc thi. Ngoài ra, có tới 5/15 giải Nhất không sáng tạo, ý tưởng, giải pháp trùng lặp với kết quả nghiên cứu của các đề tài khoa học chuyên sâu trong và ngoài nước.

Sau khi nhận những luồng thông tin trái chiều của dư luận về giải thưởng cuộc thi, Bộ GD&ĐT đã có công văn thông báo kết quả thẩm định dự án cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp Quốc gia. Tuy nhiên, kết quả không thay đổi như đã công bố trước đó.

Các phụ huynh không chỉ bức xúc với cuộc thi Khoa học và kỹ thuật Quốc tế của Intel ISEF mà còn phản ánh về sự chậm trễ cũng như điểm số cao bất thường của nhiều học sinh trong kỳ thi Toán quốc tế Kangaroo - IKMC năm 2019.

Nhiều phụ huynh cho rằng kết quả cuộc thi chưa thực sự công bằng khi ở khối 1 và 2, riêng trường Tiểu học Lê Quý Đôn (Mỹ Đình, Hà Nội) đã chiếm phần lớn giải thưởng lớn, nhỏ. Một phụ huynh khác, mặc dù con được giải thưởng nhưng vẫn không vui vì chưa thực sự tin tưởng vào kết quả và nghi ngờ xảy ra sai sót ở khâu sao đề cũng như coi thi.