Loạn các cuộc thi học đường: Bài cuối: Quản thế nào?

Lưu Ly - Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bàn luận về các cuộc thi dành cho học sinh phổ thông, GS.TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, Bộ GD&ĐT cần có sự kiểm soát, tinh giản để trả lại mục đích, ý nghĩa đích thực cho các cuộc thi.

  Cuộc thi Toán quốc tế Kangaroo - IKMC năm 2019 gây nhiều tranh cãi
Đừng đi thi chỉ để lấy danh hiệu

Mục đích của các cuộc thi là để chuẩn bị nhân tài cho đất nước, chứ không phải để lấy danh hiệu, giải thưởng. Từ quan điểm này, GS.TS Phạm Tất Dong cho rằng, Việt Nam vẫn đang tổ chức các cuộc thi theo kiểu “nhà nòi”, nghĩa là lựa chọn thí sinh đi “chọi” nhưng “chọi” xong không làm được gì, cách làm này không quốc gia nào sử dụng. Theo ông, mỗi cuộc thi có một danh hiệu khác nhau, nhưng nhiều phụ huynh mang con đi thi chỉ để lấy danh hiệu, mà không hiểu danh hiệu ấy chẳng để làm gì. “Nhiều khi, chưa chắc đã tìm được nhân tài từ các cuộc thi nhưng thực tế có những em không tham gia thi lại khởi nghiệp tốt. Vì thế, các cấp lãnh đạo phải hiểu được thực chất của các kỳ thi quốc tế, quốc gia và có tác dụng đối với học sinh thế nào thì mới cấp phép” - GS Dong nói.

Trong khi đó, thầy Nguyễn Quốc Bình - Hiệu trưởng trường THCS - THPT Lê Quý Đôn lại có quan điểm, nếu công tác tổ chức, quy chế, quy định và tiêu chí đánh giá chặt chẽ ở mỗi cuộc thi thì sẽ giảm bớt sai sót đáng tiếc. Mục đích của ban tổ chức cuộc thi có thể là sân chơi giúp học sinh thể hiện được năng lực của mình và tạo nên được phong trào học tập... Tuy nhiên, có nhiều học sinh ngộ nhận và không biết giá trị thực của mình dẫn đến những ảo tưởng khi đăng ký tham gia thi. Hơn nữa, nhiều cha mẹ đăng ký cho con thi nhiều mà chưa tìm hiểu kỹ, hay xem cuộc thi có phù hợp với kỹ năng, sở thích con mình hay không.

Hiện tại, có quá nhiều cuộc thi được tổ chức nhưng hậu trường bị tố thiếu công bằng, khâu tổ chức thiếu chuyên nghiệp. Vì thế, nhiều ý kiến cho rằng, ngành giáo dục cần kiểm soát kỹ. Trong trường để xảy ra sai sót hay vi phạm, ban tổ chức cần bị xử lý theo quy định, chứ không phải chỉ viết một lá thư xin lỗi phụ huynh là xong.

Thầy Bình và nhiều nhà quản lý giáo dục khuyến cáo phụ huynh, học sinh nên tỉnh táo, tham khảo ý kiến giáo viên trước khi đăng ký tham gia cho con thi, nhất là các cuộc thi được phát động trên mạng xã hội. Đồng thời mong muốn Bộ GD&ĐT cân nhắc khi tổ chức các cuộc thi và nên giảm bớt các cuộc có tính chất phong trào, không nhằm mục tiêu cung cấp nhân tài cho đất nước.

Bộ GD&ĐT nói gì?

Liên quan đến các cuộc thi được tổ chức liên tiếp gần đây, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học - Bộ GD&ĐT Nguyễn Xuân Thành cho biết, bộ đã giảm bớt các cuộc thi cấp quốc gia, chỉ giữ lại một số cuộc thi ở địa phương nhằm giảm bớt áp lực cho học sinh, giáo viên. Thậm chí, Bộ GD&ĐT đã ban hành riêng một công văn nêu rõ quan điểm tinh giản các cuộc thi cho học sinh phổ thông.

Trong đó, chỉ có một số cuộc thi cấp quốc gia do bộ chủ trì hoặc phối hợp tổ chức. Cụ thể, thực hiện chủ trương tinh giảm các kỳ thi, cuộc thi, hội thi dành cho học sinh phổ thông, trên cơ sở rà soát, đánh giá nội dung hình thức và tác động của các cuộc thi được tổ chức trong thời gian qua, Bộ GD&ĐT tiếp tục duy trì tổ chức các cuộc thi cấp quốc gia, bao gồm: Kỳ thi THPT quốc gia, Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia; Kỳ thi chọn đội tuyển Olympic quốc tế. Cùng với đó là Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp Quốc gia dành cho học sinh THCS và THPT, Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc (gồm các môn thể thao được dạy trong trường học, được tổ chức 4 năm/lần), Cuộc thi "Tuổi trẻ học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".

Ông Thành cũng cho biết, Bộ GD&ĐT tiếp tục phối hợp tổ chức các cuộc thi "Giao thông học đường" do Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia chủ trì; Cuộc thi "An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai" do Cục Cảnh sát giao thông - Bộ Công an, Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia chủ trì; Cuộc thi "Viết thư quốc tế UPU" do Bộ TT&TT chủ trì.

Còn đối với cuộc thi giải Toán và Vật lý trên mạng, cuộc thi tiếng Anh trên mạng, cuộc thi giải Toán trên máy tính cầm tay, Bộ GD&ĐT yêu cầu các đơn vị chủ trì tổ chức rà soát và đổi mới nội dung. Hình thức thi cũng phải gắn liền với đổi mới hoạt động dạy học và kiểm tra, đánh giá của chương trình giáo dục phổ thông. Các đơn vị đăng công khai đề án tổ chức cuộc thi trên mạng và báo cáo Bộ GD&ĐT để theo dõi.

Ngoài ra, Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT cấp quận, huyện, thị xã, TP trực thuộc tỉnh và các cơ sở giáo dục có trách nhiệm theo dõi, giám sát trong quá trình diễn ra cuộc thi, đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả theo nhu cầu thực tế của học sinh. Đặc biệt, các cuộc thi không tạo áp lực cho học sinh, không thu tiền, không yêu cầu các trường tổ chức đội tuyển, không lấy thành tích cuộc thi để đánh giá thi đua đối với đơn vị tham gia.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần