Loạn phần mềm quản lý tài chính

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù đạt được nhiều kết quả trong cải cách hành chính nhưng hiện đại hóa vẫn là một điểm yếu của ngành tài chính thời gian qua. Ngoài ra, việc “loạn” phần mềm khiến hiệu quả kết nối giữa các bộ, ngành chưa cao cũng là hạn chế cần khắc phục. Đó là các vấn đề được nêu ra tại “Hội nghị đẩy mạnh công tác cải cách hành chính của Bộ Tài chính” ngày 12/9.

Cán bộ Chi Cục thuế quận Ba Đình làm thủ tục cho khách hàng. Ảnh: Công Hùng.
Kết nối “mạnh ai, nấy chạy”
Thời gian qua, công tác hiện đại hóa quản lý đã được Bộ Tài chính đẩy mạnh đồng bộ với cải cách thể chế và thủ tục hành chính (TTHC). Theo đó, gần 170 TTHC đã được cung cấp thành dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, có 271 TTHC đã được cung cấp thành dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; gần 14 triệu hồ sơ tiếp nhận qua phần mềm một cửa của Bộ.
Lĩnh vực thuế đã triển khai mở rộng dịch vụ khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế điện tử tại 63/63 tỉnh, TP; Xây dựng và triển khai thí điểm hệ thống cấp hóa đơn điện tử có xác thực của cơ quan thuế tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; Nghiên cứu triển khai thực hiện phương thức điện tử đối với các dịch vụ nộp thuế đất đai, hộ cá nhân... Lĩnh vực hải quan, đến 15/8/2018, đã có 11 bộ, ngành tham gia kết nối với 68 TTHC trên 1,4 triệu bộ hồ sơ và trên 23,4 nghìn DN tham gia Cơ chế một cửa quốc gia.
Dù công tác hiện đại hóa ngành tài chính đạt kết quả tốt, được DN đón nhận, tuy nhiên, mức độ kết nối giữa với các bộ, ngành khác trong thực hiện các TTHC vẫn còn nhiều hạn chế. Đó là việc mỗi bộ, ngành sử dụng một phần mềm khác nhau dẫn đến việc “mạnh ai, nấy chạy” khiến DN gặp khó. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Nguyễn Đại Trí lấy ví dụ, văn phòng quản lý đất đai ở các tỉnh dùng rất nhiều phần mềm khác nhau, số lượng phần mềm có thể lên tới hàng chục. Bởi thế, việc kết nối là rất khó.
Theo ý kiến của các đại biểu tại hội nghị, hệ thống CNTT chưa thống nhất, “loạn” phần mềm quản lý là nguyên nhân khiến sự chia sẻ, kết nối thông tin giữa các bộ, ngành vẫn hạn chế. Có hiện tượng trong ngành như thuế với hải quan, kho bạc dùng chung phần mềm thì kết nối thuận lợi nhưng khi kết nối ra ngoài trong thực hiện các thủ tục hành chính với bộ, ngành khác thì lại mất nhiều thời gian hơn.
Ngoài ra, đại diện Tổng cục Thuế cũng đề xuất bỏ cách thông báo “in ra, gửi đi” trong các trao đổi giữa cơ quan thuế và DN, thay vào đó sẽ thông báo bằng điện tử. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế khẳng định, hiện ứng dụng quản lý thuế hoàn toàn hỗ trợ việc thông báo tự động, chỉ cần một thao tác là có thể có hàng vạn thông báo nộp thuế, cưỡng chế nợ.

Điểm yếu hiện đại hóa
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn thừa nhận, hiện đại hóa vẫn đang là điểm yếu của ngành tài chính. Theo Thứ trưởng, hiện ngành có 961 thủ tục nhưng đưa vào dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đạt 46%; còn lại 54% vẫn là mức độ 1, 2, trong đó có không ít thủ tục vẫn ở mức độ 1.
Ông Tuấn đề nghị các đơn vị chức năng trình Bộ ngay trong tháng 9 lộ trình, nhiệm vụ từng cục, tổng cục để chuyển các thủ tục mức độ 1, 2 lên mức độ 3, 4. Mục tiêu được đặt ra, cuối năm 2018, tỷ lệ thủ tục mức độ 3, 4 phải là 60 - 65%. Tới 30/6/2019, tỷ lệ này lên 80% và tới hết năm 2019, đạt tỷ lệ 90%. Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn thẳng thắn, ông tới khu vực hành chính công một cửa ở Móng Cái, Hạ Long (Quảng Ninh) thì thấy, những đơn vị này đã thực hiện tiếp nhận, xử lý và trả kết quả tại đó với 88% thủ tục là mức độ 3, 4.
Để khắc phục các hạn chế, đẩy mạnh cải cách đáp ứng yêu cầu hội nhập, thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ triển khai nhiều giải pháp, trong đó có nâng cao trách nhiệm người đứng đầu. Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, kết quả cải cách hành chính đạt được hàng năm là cơ sở để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, năng lực chỉ đạo điều hành. Đồng thời, đây còn là tiêu chí để bổ nhiệm cán bộ, đánh giá bình xét danh hiệu thi đua khen thưởng.