Bài 1: Người Hà Nội nơi tiền tiêu
Hàng năm, Đoàn công tác TP Hà Nội đều đặn tổ chức thăm, tặng quà, động viên quân, dân huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1; trong đó có cả những người con Thủ đô can trường đang ngày đêm trầm mình trong nắng lửa, phát huy tinh thần truyền thống Thủ đô anh hùng, vững chắc tay súng bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Sức sống giữa ngàn khơiĐoàn công tác số 4 năm 2019 (Đoàn TP Hà Nội) đến với Trường Sa những ngày tháng 4 lịch sử. Nắng pha lê trong vắt rải đều lên biển đảo. Bầu trời được đẩy nhô lên cao vút, xanh trong vời vợi. Ít ai ngờ rằng, nơi đây có tới 131 ngày bão mỗi năm và mỗi tháng có từ 13 - 20 ngày gió mạnh. Nhưng, dẫu có sóng to, gió lớn đến nhường nào thì sức sống vẫn luôn căng đầy ở nơi đầu sóng. Người dân ở Trường Sa sinh sống bằng nghề đi biển và chăn nuôi gia súc.
Trên các đảo chìm, đảo nổi, nhà giàn, những chú bò thảnh thơi nghỉ ngơi dưới bóng cây, đàn vịt kiếm ăn bên bờ biển, đàn chó bắt cá cùng chiến sĩ, những vườn rau xanh mướt, đàn cá kìm bơi tung tăng bên cầu cảng như ở ao nhà, những cây bàng vuông, phong ba, bão táp cổ thụ ngát hương hoa… Tất cả những hình ảnh bình yên ấy chẳng khác gì những bức tranh thôn quê đầy sức sống nơi đất liền.
Trẻ con ở Trường Sa rắn rỏi, khỏe mạnh, dạn dĩ. Tôi cứ nhớ mãi hình ảnh cô bé Sầm Thị Trúc Ly xinh xắn ở đảo Song Tử Tây. Khi chương trình văn nghệ kết thúc, mọi người tản ra, bé chạy theo, kều tay tôi rồi đưa cho chùm quả màu tím hồng, to gần bằng trái sim, miệng lí nhí: “Cô ăn không, ngon lắm”. Như sợ tôi không tin, bé bỏ một trái vào miệng nhai, rồi xuýt xoa: “Ôi, chao ngon! Trái tra được mệnh danh là nho Trường Sa đó cô, mới đầu mùa nên hiếm lắm”.
Bé vặt một trái khác đưa cho tôi. Tôi đã nhai ngấu nghiến thứ quả lạ vị ngọt ngọt, chua chua, thanh thanh và hơi chan chát ấy. Thật lạ, khi đã nhả hạt ra khỏi miệng mà nơi đầu lưỡi vẫn thơm nồng. Tôi bắt trước bé Ly, nhắm mắt lại và trầm trồ: “Ôi, chao ngon”. Mấy đứa trẻ khác thấy thế cười phá lên rồi mấy cô cháu đi tìm trái tra chín để hái.Tự hào được bảo vệ Trường SaCùng với những em bé Trường Sa rắn rỏi, dạn dĩ, chúng tôi thực sự ấn tượng với các lực lượng hải quân, ra đa, pháo binh… đang làm nhiệm vụ. Trong đó có 101 người con Thủ đô đang ngày đêm tham gia tất cả các hoạt động cùng người dân huyện đảo. Một trong số đó phải kể đến Đại úy Ngô Thành Khoa (sinh năm 1987, quê huyện Ứng Hòa) - Trợ lý Phòng không trên đảo Trường Sa Lớn, từ tháng 7/2018. Anh kể: “Trước đây, tôi đã từng công tác một năm ở đảo Song Tử Tây. Trải qua bao khó khăn, vất vả, trở về đất liền, tâm trí tôi vẫn luôn hướng về Trường Sa. Thế là, tôi lại làm đơn xin ra đảo”.
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch thường trực HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn thăm hỏi, động viên các cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại đảo Sơn Ca. |
Đại úy Khoa có vợ và 2 con nhỏ. Hầu như tuần nào vợ và các con anh cũng gọi điện thoại hỏi thăm bố, hỏi bao giờ bố về, bố nhớ mua quà cho con… “Sau những giây phút thương nhớ về gia đình, chúng tôi lại tiếp tục nhiệm vụ cao cả của mình. Các cháu sau này lớn lên sẽ tự hào vì bố của mình đã từng sống và làm nhiệm vụ trên đảo Trường Sa, vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc” - Đại úy Khoa tâm sự.
Chỉ còn khoảng 2 tháng nữa, Binh nhất Nguyễn Văn Tuyên (sinh năm 1999, quê huyện Mê Linh) sẽ hoàn thành nhiệm vụ trên đảo Trường Sa. Ở nơi đầu sóng ngọn gió, Tuyên đã trưởng thành hơn qua từng ngày. “Ở nhà, em được bố mẹ chiều chuộng không khác gì “công tử bột”, nhưng ra đảo, được sự chỉ dạy của các chú, các anh, em đã làm được rất nhiều việc như nấu cơm, rửa bát, giặt quần áo, trồng rau, chăn nuôi… Mới hôm qua, mẹ gọi điện cho em hỏi thăm sức khỏe. Bố mẹ rất tự hào vì con đang góp phần bảo vệ quần đảo Trường Sa” - chàng Binh nhất tự hào kể.
Chiến sĩ đảo Sinh Tồn làm hoa ốc trong giờ giải lao. |
Chiến sĩ đảo Nam Yết làm đậu phụ cải thiện bữa ăn. |
Tác giả và các chiến sĩ đảo Nam Yết. |