70 năm giải phóng Thủ đô

Loay hoay bảo tồn cây di sản

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo thống kê của Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, cả nước hiện có gần 2.245 cây cổ thụ niên đại trên 100 tuổi được công nhận là cây di sản, phân bố trên địa bàn 45 tỉnh, thành.

Tuy nhiên thực tế cho thấy, việc bảo tồn những quần thể này đang đặt ra nhiều vấn đề đối với không ít địa phương, trong đó có Hà Nội.

Bài 1: Giá trị trường tồn của những “lão cây”

Trải qua hàng trăm năm, quần thể cây di sản vẫn trường tồn với thời gian, gắn bó mật thiết với đời sống của cộng đồng dân cư Bắc Bộ và được xem như những chứng nhân cho mỗi đổi thay lịch sử, phát triển của mảnh đất ngàn năm văn hiến. 
Đi cùng tháng năm lịch sử
Chúng tôi tìm về làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây) vào một chiều trời nắng nóng như đổ lửa. Dưới tán xanh mát của rặng duối cổ 18 cây, nhiều cụ ông cụ bà đang ngồi hóng mát. Theo sử sách còn lưu lại tại khu di tích đền - đình lăng vua Ngô Quyền nằm cách đó không xa, khu vực rặng duối cổ là nơi vua Ngô Quyền buộc voi, ngựa chiến sau những cuộc tập trận cùng nghĩa quân trước khi tiến về vùng cửa sông Bạch Đằng đánh quân Nam Hán. Ông Phạm Hùng Sơn - Trưởng ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm cho biết: các nhà khoa học từng khảo sát và nhận định, cả 18 cây duối cổ đều có kích thước cao to rất hiếm gặp với tuổi thọ trên dưới 1.000 năm. Không chỉ có ý nghĩa về mặt lịch sử, nhiều cụ ông, cụ bà thôn Cam Lâm còn chia sẻ, rặng duối cổ đã trở thành “báu vật” của làng. Họ luôn tôn kính, coi rặng duối như vị thần bao bọc, chở che cho lăng Ngô Vương và cư dân làng cổ. Xưa, rặng duối là nơi nghỉ chân của bà con sau những giờ đồng áng, là nơi trai gái hò hẹn nhau những đêm trăng thanh, gió mát. Ngày nay, rặng duối cổ tiếp tục đóng vai trò quan trọng, trở thành điểm đến thăm quan du lịch thú vị của du khách trong hành trình khám phá làng cổ Đường Lâm.

Cây bồ đề trước đình Vĩnh Quỳnh (huyện Thanh Trì) gắn liền với nhiều câu chuyện lịch sử về cuộc đấu tranh cách mạng. Ảnh: Trọng Tùng

Nằm giữa làng Vạn Phúc (quận Hà Đông) có một ngôi miếu cổ với niên đại hàng trăm năm, hiện thờ Thành hoàng làng Lã Thị Nga - người tương truyền có công truyền dạy nghề dệt lụa tơ tằm cho người dân địa phương. Ngôi miếu được trùng tu dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, nhưng vẫn giữ được nét uy nghi, cổ kính. Trong khuôn viên ngôi miếu, cây đa tía có niên đại hàng trăm năm ngự sừng sững. Cụ Nguyễn Duy Diễm - Thủ từ miếu Vạn Phúc tâm sự, trải qua nhiều năm tháng, cây đa tía vẫn đứng hiên ngang như một chứng nhân gắn liền với nhiều giai đoạn thăng trầm của lịch sử. Theo ghi chép còn lưu lại tại miếu, những năm 1967 - 1968, nơi đây là địa điểm cư trú, hoạt động của bộ đội pháo binh. Sau là nơi đóng quân của Trạm 21 (Quân khu 3). Vào những năm kháng chiến chống Mỹ, miếu Vạn Phúc được sử dụng làm lớp bình dân học vụ. Đến nay, dãy phòng học năm xưa vẫn còn và hiện được sử dụng làm phòng đọc sách, báo cho người dân…
Không chỉ rặng duối làng cổ Đường Lâm hay cây đa tía làng Vạn Phúc, mà hầu hết những quần thể cây di sản trên địa bàn TP Hà Nội mà chúng tôi có dịp ghé thăm, nghe người xưa, người nay kể lại, đều lưu dấu những câu chuyện lịch sử gắn liền với công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và phát triển Thủ đô.
Hơn cả một “chứng nhân”
Bên cạnh ý nghĩa về mặt lịch sử, yếu tố quan trọng khiến những cây cổ thụ hiện được cộng đồng đánh giá cao và phong danh là cây di sản còn nằm ở khía cạnh giá trị kinh tế và bảo tồn nguồn gen hiện tại và trong tương lai.
Những năm gần đây, tour du lịch đền Và (thị xã Sơn Tây) có thêm một điểm đến thú vị, đó là quần thể 90 cây cổ thụ mới được VACNE công nhận là cây di sản. Đến nay, chưa có thống kê cụ thể về số lượng khách đến với đền Và trước và sau khi 90 cây cổ thụ nơi đây được VACNE vinh danh. Tuy nhiên, theo nhận định của ông Phùng Ngọc Vĩnh - Trưởng ban Quản lý di tích lịch sử đền Và, quần thể cây di sản trên là điểm nhấn quan trọng và có “giá trị thu hút du khách” rất lớn đối với tour du lịch đền Và. Không chỉ tại đền Và, nhóm cây di sản ở làng Vạn Phúc (quận Hà Đông), đền - đình lăng vua Ngô Quyền (thị xã Sơn Tây), hay tại đền Voi Phục (quận Tây Hồ)… cũng là những điểm đến tham quan thú vị trong hành trình tìm về với những giá trị di sản của du khách khi đến với Thủ đô Hà Nội.  
Bên cạnh vai trò là nhân tố kích cầu du lịch địa phương, cây di sản còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bảo tồn nguồn gen. GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh - nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết, những cây di sản có niên đại hàng trăm năm cho thấy khả năng thích nghi rất tốt với điều kiện khí hậu vùng miền, hệ sinh thái, quá trình biến đổi khí hậu, cũng như tác động tiêu cực của con người. Đây là nguồn gen rất quý hiếm cho nghiên cứu khoa học. Thực tế hiện nay, việc nhân cấy các tổ hợp gen để tạo nên những chủng sinh vật có khả năng kháng sâu bệnh, sinh trưởng, phát triển và cho giá trị kinh tế vượt trội là điều hoàn toàn có thể.    
Dù ở bất cứ thời điểm nào, quần thể cây di sản vẫn đóng vai trò hết sức đặc biệt. Việc bảo tồn quần thể này cũng chính là hành động thiết thực gìn giữ cho mai sau một kho giá trị khó có thể đong đếm. Đây cũng là phương cách giáo dục thế hệ trẻ biết trân quý những giá trị lịch sử gắn liền với những bước chuyển của Thủ đô.
(còn nữa)