Loay hoay giải thể hợp tác xã yếu kém

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc giải thể, sáp nhập các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp hoạt động kém hiệu quả hoặc chỉ còn tồn tại trên danh nghĩa là yêu cầu cấp thiết nhằm phát huy vai trò thực sự của khu vực kinh tế tập thể. Dù vậy, công tác này thực tế không hề đơn giản.

 Trụ sở Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp xã Tân Hội, huyện Đan Phượng. Ảnh: Lâm Nguyễn
6,8% HTX nông nghiệp chưa giải thể
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, từ khi Luật HTX năm 2012 chính thức có hiệu lực ngày 1/7/2013, đến nay đã có tổng số 2.366 HTX nông nghiệp hoạt động kém hiệu quả hoặc chỉ tồn tại trên danh nghĩa được giải thể, sáp nhập và chuyển sang hình thức sản xuất, kinh doanh mới. Nhiều địa phương đã hoàn thành công tác giải thể, giải quyết dứt điểm các HTX nông nghiệp kém hiệu quả, ngừng hoạt động như Thái Bình, Hà Nam, Thừa Thiên Huế, Kiên Giang…

Dù vậy, cả nước hiện vẫn còn 795 HTX đã ngừng hoạt động nhưng chưa được giải thể (chiếm 6,8% tổng số HTX nông nghiệp), tập trung tại 35 tỉnh, TP. Đáng chú ý, Hà Nội là địa phương có số HTX nông nghiệp chưa giải thể nhiều thứ hai cả nước với 53 HTX, chỉ xếp sau tỉnh Bắc Giang (115 HTX). Tiếp đến là Hải Phòng 49 HTX, Đắk Lắk 49 HTX, Lào Cai 44 HTX…

Theo Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) Ma Quang Trung, có 3 nguyên nhân chính khiến công tác giải thể, sáp nhập các HTX nông nghiệp gặp khó khăn.
Thứ nhất là bất cập trong xử lý tài sản, đặc biệt là tài sản không chia của các HTX. Thứ hai, vấn đề xử lý công nợ của các HTX cũng gặp khó khăn do nhiều HTX đã ngừng hoạt động từ lâu, không xác định được thành viên qua các thời kỳ. Thứ ba, do thiếu một số quy định Nhà nước về hướng dẫn thủ tục đăng ký chuyển đổi HTX sang DN và các loại hình kinh tế khác…

Cần giải pháp sát thực tế

Theo ông Ma Quang Trung, hiệu quả của công tác giải thể, sáp nhập các HTX nông nghiệp phụ thuộc rất lớn vào việc các địa phương có thực sự vào cuộc hay không. Bài học kinh nghiệm của tỉnh Nam Định, một trong số ít địa phương hoàn thành chuyển đổi HTX theo Luật và giải thể 100% HTX đã ngừng hoạt động là ví dụ điển hình.
Theo đó, toàn bộ tài sản cố định của các HTX được chuyển cho UBND xã quản lý, sau đó chuyển thành các công trình dịch vụ công ích cho HTX mới. Vốn lưu động được đại hội xã viên quyết định theo hai hướng: Chuyển cho UBND xã xây dựng các công trình hạ tầng hoặc chia cho xã viên. Dù vậy, ông Trung cho rằng, khó khăn trong việc giải thể, sáp nhập các HTX nông nghiệp tại mỗi địa phương là rất khác nhau. Do đó, các địa phương cần hết sức linh hoạt trong vận dụng các cơ chế, chính sách hiện hành.

Để đẩy nhanh tiến độ giải thể, sáp nhập các HTX nông nghiệp kém hiệu quả, đã ngừng hoạt động, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đề nghị các địa phương khẩn trương tiến hành rà soát, đánh giá thực trạng về công nợ, tài sản, tổ chức bộ máy… để xây dựng kế hoạch cụ thể.
Trong đó lưu ý đề ra các giải pháp sát với điều kiện và tình hình thực tế tại địa phương. Liên quan tới bài toán xử lý tài sản, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, hội đồng giải thể phải tiến hành đánh giá, phân loại, định giá để làm cơ sở xử lý và thực hiện theo thứ tự ưu tiên. Tiếp đến là xử lý công nợ theo quy định.

Trong trường hợp không còn tiền để thanh toán các khoản nợ của HTX, Thứ trưởng Trần Thanh Nam khuyến nghị xử lý theo hướng: Các khoản nợ thuế và các khoản phải nộp ngân sách Nhà nước thì đề nghị Nhà nước xóa nợ.
Các khoản nợ các tổ chức tín dụng, Hội đồng giải thể tiến hành đàm phán với các tổ chức tín dụng để đề xuất được xóa nợ… Đối với các HTX không còn đại diện, cần sớm tổ chức Đại hội HTX bầu bổ sung các thành viên bắt buộc phải có để tham gia hội đồng thực hiện giải thể.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần