Loay hoay thu quỹ phòng chống thiên tai

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hiện Nghị định số 94/2014/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ, ngày 11/4/2016, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 1633 về việc thành lập và Quyết định số 2024 ngày 30/3/2017 về tổ chức hoạt động của Quỹ phòng, chống thiên tai (PCTT). Tuy nhiên, sau hơn một năm, việc triển khai công tác quản lý, thu chi quỹ gặp khá nhiều khó khăn.

 Quỹ phòng, chống thiên tai sẽ góp phần bổ sung nguồn vốn đầu tư nâng cấp hạ tầng cho công tác ứng phó. (Trong ảnh: Tuyến đê sông Nhuệ qua địa bàn xã Cự Khê, huyện Thanh Oai đã được kè kiên cố hóa). Ảnh: Trọng Tùng
Thu quỹ mới đạt trên 22 tỷ đồng
Theo thống kê của Ban chỉ huy PCTT TP Hà Nội, tính đến nay, tổng giá trị đã thu được về tài khoản Quỹ PCTT của các quận, huyện, thị xã mới đạt khoảng 22 tỷ đồng. Trong đó, thị xã Sơn Tây là cao nhất với trên 2,54 tỷ đồng. Tiếp đến là quận Hà Đông: 1,63 tỷ đồng, quận Hoàng Mai: 1,5 tỷ đồng… Đáng chú ý, đến nay vẫn còn 4/30 địa phương chưa thu Quỹ gồm: Ba Đình, Gia Lâm, Thanh Trì và Mỹ Đức.

Việc thu Quỹ PCTT tại các địa phương được đánh giá là khá chậm, trong khi công tác thu quỹ tại các tổ chức, DN có hoạt động trên địa bàn Hà Nội cũng nan giải không kém. Theo thống kê, trên địa bàn TP hiện có khoảng 245.000 tổ chức, DN hoạt động, nhưng các đơn vị này chưa tự giác thực hiện việc thu quỹ theo quy định. Đến nay, tổng số tiền thu được, chuyển về Quỹ PCTT của nhóm đối tượng này mới đạt khoảng... 50 triệu đồng.

Như vậy, sau gần một năm triển khai chỉ đạo của TP liên quan tới Quỹ PCTT, nguồn tài chính thu được chỉ khoảng 22,05 tỷ đồng. Cùng với tiến độ thu quỹ chậm, việc sử dụng nguồn quỹ này vẫn chưa thực hiện được.

Đề xuất điều chỉnh một số quy định

Trên thực tế, ngay khi có Nghị định số 94 của Thủ tướng Chính phủ, TP đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai. Tuy nhiên, việc thực hiện tại cơ sở được cho là quá chậm.

Theo quy định, việc lập kế hoạch và thu quỹ của các DN hạch toán độc lập là trách nhiệm của UBND các quận, huyện, thị xã. Tuy nhiên, hầu hết các địa phương không lập kế hoạch thu của nhóm đối tượng này, hoặc có lập nhưng không đủ so với số DN thực tế.

Bên cạnh nguyên nhân chủ quan trên, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho rằng, quá trình thu chi Quỹ PCTT hiện còn một số bất cập về cách thức triển khai. Cụ thể, việc thu quỹ bằng tiền mặt tại cấp xã phải có chứng từ theo mẫu C27-X quy định tại Quyết định số 94/2005/QĐ-BTC của Bộ Tài chính. Việc này được cho là rất mất thời gian, không chỉ làm giảm hiệu quả thu quỹ mà còn gây khó khăn cho lực lượng trực tiếp đi thu.

“Nhiều địa phương đang kiến nghị cho phép áp dụng “danh sách thu quỹ” có chữ ký của người nộp thay thế mẫu C27-X nhằm giảm bớt thủ tục...” - ông Mỹ cho biết. Cũng theo ông Mỹ, dù Nghị định số 94 của Thủ tướng Chính phủ ra đời từ năm 2014, nhưng đến nay vẫn chưa có thông tư hướng dẫn chi tiết khiến quá trình triển khai tại các địa phương gặp nhiều lúng túng.

Trước những khó khăn trên, với tinh thần chủ động cao, TP Hà Nội đã có văn bản yêu cầu Sở NN&PTNT, Sở Tài chính và các địa phương khẩn trương xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch thu, quản lý Quỹ PCTT năm 2018. Đồng thời, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân không chấp hành đầy đủ nghĩa vụ đóng góp Quỹ PCTT theo quy định.

Để từng bước tháo gỡ những bất cập trong quá trình triển khai, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu kiến nghị Bộ NN&PTNT sớm ban hành Thông tư hướng dẫn việc thực hiện Nghị định số 94. Đồng thời, trình Chính phủ xem xét, sửa đổi bổ sung một số điều của nghị định trên. Trọng tâm là bổ sung mục kinh phí hỗ trợ các chi phí hành chính phát sinh và hoạt động kiêm nhiệm ngoài giờ của các cán bộ thực hiện thu, quản lý Quỹ PCTT cấp huyện, tỉnh. Bổ sung định mức hỗ trợ cụ thể cho từng đối tượng bị ảnh hưởng do thiên tai, để địa phương có căn cứ cụ thể hóa mức chi Quỹ PCTT. Bên cạnh đó, nghiên cứu bổ sung nhiệm vụ của ngành thuế trong công tác lập kế hoạch và đối chiếu kiểm tra kết quả thu Quỹ PCTT của các tổ chức kinh tế hạch toán độc lập.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần