Loay hoay tiêu thụ gạo chất lượng cao

Ngọc Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hiện chương trình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao (CLC), đến nay Hà Nội đã xây dựng được 3 nhãn hiệu tập thể gạo CLC, gồm: Gạo Bồ Nâu-Thanh Văn, gạo thơm Bối Khê - Tam Hưng, gạo Nếp cái hoa vàng Sóc Sơn. Song dù có nhãn hiệu, các sản phẩm gạo vẫn “bí” đầu ra.

 Đóng gói sản phẩm gạo thơm Bối Khê tại HTX Nông nghiệp Tam Hưng, huyện Thanh Oai. Ảnh: Văn Thắng
Loay hoay tiêu thụ
Chia sẻ về những khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm gạo, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thanh Văn (huyện Thanh Oai) Hoàng Văn Họa cho hay, thời gian đầu khi mới có nhãn hiệu (năm 2013), gạo Bồ Nâu khá đắt hàng trên thị trường với giá bán ổn định từ 17.000 - 20.000 đồng/kg. Tuy nhiên, chỉ hơn một năm sau khi có nhãn hiệu, mức độ tiêu thụ có dấu hiệu chững lại, thậm chí có lúc còn “ế” bởi người tiêu dùng có nhiều lựa chọn khác. Đáng nói, sản phẩm gạo được tiêu thụ chủ yếu do HTX tự kết nối với thương lái, còn DN đứng ra bao tiêu rất ít. “HTX cũng chỉ hỗ trợ được cho xã viên, nông dân chủ yếu về quảng bá, giới thiệu sản phẩm còn khâu bao tiêu chỉ đạt khoảng 30% tổng sản lượng” – ông Họa nói.
“Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương, DN trên địa bàn xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ lúa gạo nhằm bảo đảm đầu ra cho sản phẩm gạo chất lượng. Đồng thời, Sở đề xuất với UBND TP tăng cường chính sách ưu đãi khuyến khích đối với các DN đầu tư vào nông nghiệp nói chung và sản xuất lúa hàng hóa nói riêng”.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại
Tương tự, Giám đốc HTX Nông nghiệp Hát Môn (huyện Phúc Thọ) Hồ Xuân Thắng cho biết, mặc dù sau mỗi vụ thu hoạch, sản lượng lúa gạo của nông dân đều được thương lái trong và ngoài địa phương thu mua hết nhưng giá cả thường không ổn định. Nếu có DN đứng ra ký hợp đồng tiêu thụ thì nông dân sẽ yên tâm sản xuất và bớt đi nỗi lo “được mùa, mất giá”. Thực tế, không chỉ ở Hát Môn mà hầu hết các vùng lúa chất lượng cao của Hà Nội đều cùng chung cảnh ngộ.

Những năm qua diện tích lúa CLC của Hà Nội không ngừng tăng. Nếu như năm 2010, toàn TP có hơn 19.500ha, chiếm khoảng 10% thì đến năm 2017, diện tích lúa CLC đã tăng lên hơn 40.000ha, chiếm 40% tổng diện tích gieo cấy lúa. Với sản lượng lên tới hàng chục nghìn tấn mỗi năm, bài toán tiêu thụ sản phẩm lúa, gạo hàng hóa đang là vấn đề được ngành nông nghiệp Hà Nội quan tâm. Tuy nhiên, không thể phủ nhận thực trạng phần lớn sản phẩm lúa, gạo CLC hiện nay do thương lái thu gom, còn DN đứng ra bao tiêu sản phẩm chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Đẩy mạnh chuỗi liên kết

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại nhận định, hiện nhiều sản phẩm nông nghiệp, trong đó có gạo CLC được sản xuất ra với số lượng lớn nhưng bán chậm, giá không ổn định do thiếu bàn tay DN trong việc hợp tác, liên kết bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Bên cạnh đó, đa số các HTX dịch vụ nông nghiệp tiềm lực còn yếu, chưa được đầu tư thích đáng nên không đủ khả năng bao tiêu sản phẩm cho xã viên. Điều này dẫn đến thực trạng khâu tiêu thụ của sản phẩm gạo CLC đang lệ thuộc nhiều vào các tiểu thương.

Nhằm đẩy mạnh liên kết nông dân với DN, Sở NN&PTNT Hà Nội đã kêu gọi các DN sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp “bắt tay” với các HTX để xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ lúa gạo. Đơn cử, vụ Xuân 2018, HTX Nông nghiệp Tam Hưng đã liên kết với Công ty CP Giống cây trồng T.Ư triển khai mô hình 50ha giống Đài Thơm 8 và 30ha giống Bắc Hương 9; liên kết với Công ty CP Gạo Bảo Minh triển khai mô hình 20ha giống Tám hương sen (nhóm Japonica). Sau thu hoạch, toàn bộ sản lượng thóc của mô hình được DN cam kết thu mua với giá bằng hoặc cao hơn thị trường.

Tham gia chuỗi liên kết, nông dân dần thay đổi tư duy, tập quán canh tác cũ, từng bước tiếp cận khoa học kỹ thuật và phương thức sản xuất mới. Qua đó, nâng cao nhận thức về sản xuất gắn với thị trường, góp phần hình thành vùng sản xuất lúa hàng hóa đạt về chất lượng, có tính cạnh tranh trên thị trường. Hiệu quả mà chuỗi liên kết mang lại không chỉ nâng cao giá trị sản phẩm mà còn kiểm soát chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm gạo CLC.