Đây là băn khoăn của nhiều đại biểu tại hội nghị Nâng cao năng lực và chất lượng cung ứng dịch vụ y tế tuyến xã dựa vào y học gia đình hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân do Bộ Y tế tổ chức ngày 19/12.
Thiếu đủ thứThiếu nhân lực y tế, quá tải bệnh viện (BV) là hai vấn đề y tế “nổi cộm” tại Việt Nam. Cả nước chỉ có 7,5 bác sỹ/vạn dân, trong khi nhiều nước trong khu vực là 15 - 20 và các nước phát triển có đến 30 bác sỹ/vạn dân. Nhiều chuyên gia cho rằng, chỉ khi vận hành hệ thống y học gia đình theo định hướng thị trường sẽ tháo gỡ được những vấn đề nan giải này. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, ngành y tế vẫn đang loay hoay xây dựng, phát triển mô hình BSGĐ, việc thí điểm tại một số địa phương đã được thực hiện, song chưa hiệu quả.
Bác sỹ gia đình khám bệnh định kỳ cho người dân tại nhà riêng ở Hà Nội. Ảnh: Zing.vn |
Vô vàn trở ngạiĐể phát triển mô hình BSGĐ hướng tới mục tiêu đến năm 2020 có khoảng 80% các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư triển khai mô hình phòng khám BSGĐ trên phạm vi toàn tỉnh như Bộ Y tế đặt ra, đại diện Sở Y tế Quảng Nam kiến nghị Bộ Y tế sớm ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 15/NĐ-CP của Chính phủ về y tế. Đối với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, nên cho phép phòng khám BSGĐ mở rộng dịch vụ khám chữa bệnh, kỹ thuật lâm sàng và cận lâm sàng. Đại diện địa phương này cũng kiến nghị UBND tỉnh cho phép cơ sở triển khai đầu tư theo hình thức đối tác công - tư tại một số cơ sở y tế để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, giúp giảm tải tuyến trên, giảm tình trạng vượt quỹ BHYT.Còn đại diện Sở Y tế Hải Phòng cho rằng, Bộ Y tế cần có quy định bác sỹ tuyến tỉnh, tuyến T.Ư khi trả bệnh nhân về BSGĐ quản lý thì quy định rõ cơ quan nào chi trả cho hoạt động y tế dự phòng, BHYT. Nhiều ý kiến khác lại bày tỏ, chính sách thông tuyến hiện chưa đồng bộ, gây khó khăn cho cả người dân và cơ sở y tế.Những băn khoăn, vướng mắc nếu không được khắc phục sớm, sẽ gây bất lợi cho cả bệnh nhân và phòng khám BSGĐ. Khi đó, mô hình này tưởng là hướng đi đúng, nhưng lại nhiều trở ngại khiến các bên không mặn mà tham gia.