Lời cam kết trách nhiệm

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lần thứ 3 được tổ chức, Diễn đàn Nông dân Quốc gia năm 2018 đã trở thành cầu nối, đưa tiếng nói của hàng triệu người nông dân tới Chính phủ. Ở đó, Chính phủ tiếp tục thể hiện vai trò kiến tạo với lời hứa sẽ “đi chợ” cùng nông dân.

Nông nghiệp Việt Nam những năm gần đây đã có sự gia tăng nhanh chóng về giá trị sản xuất. Chỉ tính riêng 9 tháng năm 2018, xuất khẩu nông sản Việt Nam đã đạt xấp xỉ 30 tỷ USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ. Việt Nam đã có 10 nông sản có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Rất nhiều thương hiệu nông sản Việt cùng hàng loạt chuỗi cung ứng cũng đã được thiết lập như: Hệ thống cửa hàng tiện ích Vinmart, chuỗi siêu thị Big C, Saigon Co.opmart… Nông sản Việt đã có mặt tại 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nói như Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Việt Nam có thể tự hào đang ngày một đóng góp quan trọng vào bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu.

Với khoảng 70% dân số làm nông nghiệp, sản lượng các mặt hàng nông sản làm ra hàng năm ước khoảng 50 triệu tấn lương thực có hạt, trên 1 triệu tấn trái cây, hàng chục triệu tấn rau màu… Cùng với giá trị xuất khẩu mang lại, áp lực tiêu thụ nông sản trong tương lai cũng sẽ ngày một lớn hơn. Áp lực đó đã hiện hữu trong suốt nhiều năm qua, khi nông sản Việt thường xuyên rơi vào tình trạng “được mùa rớt giá” và cần được “giải cứu” mà câu chuyện quả thanh long mới đây nhất tại tỉnh Bình Thuận là một ví dụ điển hình của thị trường cung - cầu bất cân xứng.

Trong bối cảnh thị trường mở cửa hiện nay, làm thế nào để tổ chức được hệ thống chợ tiêu thụ trong nước và mang nhiều sản phẩm ra thị trường nước ngoài là vấn đề hết sức quan trọng. Và để thực hiện được điều này, bên cạnh nỗ lực của người nông dân, sự chuyển đổi tích cực của nền nông nghiệp trong nước cũng rất cần đến vai trò của Nhà nước, bộ ngành T.Ư, các địa phương, tổ chức, hiệp hội. Trong đó, vai trò điều hành của Nhà nước là trọng tâm. Đối với thị trường trong nước, Chính phủ đã ban hành một loạt các cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất như Nghị định số 55/NĐ-CP ngày 9/6/2015; Nghị định số 57/NĐ-CP ngày 17/4/2018; Nghị định số 116/NĐ-CP ngày 7/9/2018 về Chính sách khuyến khích sản xuất nông nghiệp… Chính phủ cũng thúc đẩy xây dựng các chợ đầu mối, kênh tiêu thụ nông sản… Đối với thị trường nước ngoài, Việt Nam cũng đã ký 12 hiệp định song phương và đa phương, đang tiếp tục thúc đẩy việc ký kết các hiệp định thương mại với EU, nhằm mở rộng thị trường cho nông sản Việt.

Tại Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ 3, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Đảng, Nhà nước sẵn sàng đồng hành, “đi chợ” cùng nông dân. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện chủ trương, chính sách phát triển nông nghiệp, xúc tiến thương mại, đầu tư và mở rộng thị trường. Điều này một lần nữa khẳng định: Chính phủ luôn đồng hành cùng với nông dân trong quá trình hội nhập. Và hơn ai hết, những người nông dân đang rất kỳ vọng, sự cụ thể hóa lời hứa trên sẽ giúp giải bài toán “được mùa mất giá”, khơi thông thị trường cho nông sản Việt hiện nay.