Lời cảnh báo cho kinh tế Trung Quốc từ Moody's

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lần đầu tiên trong gần 3 thập kỷ, Tổ chức đánh giá tín nhiệm hàng đầu thế giới Moody’s Investors Services hôm 24/5 tuyên bố cắt giảm điểm tín nhiệm nợ dài hạn bằng nội tệ và ngoại tệ của Trung Quốc.

Lý do mà Moody’s đưa ra cho việc hạ định hạng tín nhiệm này là dự báo, sức mạnh tài chính của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ suy giảm trong những năm sắp tới. Ngay sau quyết định này, Moody’s cũng hạ bậc tín nhiệm của 26 tổ chức DN Trung Quốc bao gồm cả Tập đoàn Dầu khí Quốc gia.

Việc bị Moody’s hạ điểm tín nhiệm có thể khiến chi phí vay nợ đối với Chính phủ Trung Quốc và các DN quốc doanh nước này tăng nhẹ. Tuy nhiên, định hạng tín nhiệm mới của Trung Quốc vẫn nằm ở ngưỡng đầu tư. Tỷ giá đồng Nhân dân tệ (NDT) ở thị trường ngoài Trung Quốc đại lục giảm nhẹ gần 0,1% so với đồng bạc xanh sau khi Moody’s ra tuyên bố. Tuy nhiên, sự giảm điểm này nhanh chóng bị đảo ngược và đồng NDT lại tăng giá lên mức 6,8845 NDT/USD.

 

Vào tháng 3/2016, Moody’s giảm triển vọng tín nhiệm của Trung Quốc xuống “tiêu cực” từ “ổn định” - đồng nghĩa với cảnh báo về việc có thể hạ điểm tín nhiệm của nước này, với lý do nợ gia tăng và sự bấp bênh trong khả năng của Bắc Kinh về thực hiện các cải cách và giải quyết tình trạng mất cân đối trong nền kinh tế. Cũng trong tháng 3/2016, một tổ chức đánh giá tín nhiệm hàng đầu thế giới khác là Standard & Poor’s hạ triển vọng tín nhiệm của Trung Quốc xuống “tiêu cực”. Hiện tại, Standard & Poor’s đang dành cho Trung Quốc định hạng tín nhiệm AA-, cao hơn 1 bậc so với mức A1 từ Moody’s và A+ từ Fitch Ratings.

Cũng theo Moody’s, tốc độ tăng trưởng tiềm năng của Trung Quốc có thể giảm về mức 5% trong những năm tới, nhưng sự giảm tốc này có thể diễn ra chậm bởi Bắc Kinh có thể tung các biện pháp kích cầu bằng tài khóa. Moody’s dự báo nợ trực tiếp của Chính phủ Trung Quốc sẽ tăng dần lên mức 40% GDP vào năm 2018 “và lên gần ngưỡng 45% GDP vào cuối thập kỷ này”. Ngoài ra, nợ của các hộ gia đình và các công ty phi tài chính của Trung Quốc cũng được Moody’s dự báo tiếp tục tăng.

Song song với việc giảm điểm tín nhiệm của Trung Quốc, Moody’s nâng triển vọng tín nhiệm của nước này lên “ổn định” từ “tiêu cực” trước đó. Sau khi bị cắt giảm, điểm tín nhiệm mà Moody’s dành cho Trung Quốc về mức A1 từ mức Aa3 trước đó. Việc này diễn ra trong bối cảnh Chính phủ Trung Quốc đang phải đối mặt với bài toán cân bằng khó khăn: vừa phải nỗ lực kiềm chế nợ DN, vừa phải nỗ lực giữ tăng trưởng ổn định.

Theo các nhà quan sát, động thái cắt giảm đầu tiên của Moody’s với tín nhiệm nợ dài hạn bằng nội tệ và ngoại tệ của Trung Quốc  kể từ năm 1989 sẽ khiến nhà lãnh đạo nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đau đầu. Trong bối cảnh Đại hội XIX của Đảng Cộng Sản Trung Quốc - sự kiện chính trị then chốt của Bắc Kinh sẽ diễn ra vào cuối năm nay, nền kinh tế mạnh mẽ sẽ giúp Chủ tịch Tập Cận Bình ghi điểm, đặc biệt là những cam kết ổn định tăng trưởng kinh tế Trung Quốc của ông từ năm 2016 sẽ được kiểm chứng. Hiện tổng nợ của Trung Quốc ở mức 260% GDP, tỷ lệ thuận với rủi ro kinh doanh quốc nội ở mức cao. Phần lớn số nợ thuộc về các DN quốc doanh Trung Quốc, do đó sẽ không ảnh hưởng tới các nền kinh tế khác.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần