Lỗi do quy trình đào tạo và thiếu... lòng tự trọng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Dịch vụ thuê người học hộ, làm bài tập thay, hay thuê viết luận văn... ngày càng nở rộ. Và hậu quả tất yếu là học “giả” nhưng lấy bằng thật đã trở nên phổ biến ở nước ta.

Những lời quảng cáo nhận viết thuê các luận văn cao học nhan nhản trên mạng mà người có nhu cầu chỉ cần kích "chuột" là có thể tìm được. Dịch vụ viết luận văn rất đa dạng về ngành học, từ quản trị kinh doanh, marketing, quản trị đầu tư hay tâm lý học...

Đặc biệt, được viết bằng cả tiếng Việt, tiếng Anh, Pháp, Trung… tùy theo nhu cầu.  Dịch vụ thường được tổ chức thành từng nhóm chuyên nghiệp và được quảng cáo "có sự giúp đỡ của các giảng viên có kinh nghiệm". Hình thức giao dịch hoàn toàn bằng thư điện tử và thanh toán bằng chuyển khoản chứ không gặp mặt trực tiếp. 
 
Lỗi do quy trình đào tạo và thiếu... lòng tự trọng - Ảnh 1
 
Nội dung tin nhắn nhờ "cò" thi giúp.
 
Trong vai một người cần làm luận văn cao học ngành Quản trị kinh doanh, liên lạc với chủ nhân củamột trong các lời rao vặt trên mạng, chúng tôi được biết nhóm này có khoảng hơn 10 người, đa số là dân kinh tế và kỹ thuật. Giá của một luận văn thạc sĩ từ 80 trang trở lên, trọn gói cả tài liệu, đề cương, bản thuyết trình… là 7 triệu đồng, thời gian hoàn tất công việc là một tuần.

 Không chỉ nhận viết thuê luận văn, hiện nay còn có dịch vụ làm bài tập thuê cho các sinh viên. Một đầu nậu chuyên nhận các mối viết bài tập, bài luận thuê bằng tiếng Anh cho sinh viên các trường đại học cho biết, chi phí cho một bài luận bằng tiếng Anh có giá 2 triệu đồng. Đầu nậu này sẽ thuê lại các sinh viên khá, giỏi tiếng Anh ở các trường khác với thù lao 500.000 đồng/bài.

Như vậy, mỗi bài đầu nậu này đút túi 1,5 triệu đồng. TS Nguyễn Tùng Lâm, Tổng Thư ký Liên hiệp Hội khoa học kỹ thuật Hà Nội, Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng, nhận định, ngoài một số người nỗ lực học, tích cực học và học thật, có nhiều đề tài sáng tạo thì phải khẳng định rằng hiện nay, tình trạng mua bán luận văn, nhờ người viết hộ là có thật và ngày càng phổ biến.

Nguyên nhân xảy ra tình trạng này là do hiện nay chúng ta bị mắc bệnh sính bằng cấp, mà không đánh giá bằng công trình, năng lực, việc làm thật. Nếu ở các nước khác, họ căn cứ vào việc làm rồi mới đề bạt, căn cứ vào việc làm để đánh giá năng lực thì chúng ta ngược lại, chỉ cần có bằng cấp là sẽ có địa vị.

 
Bên cạnh đó, hệ thống đào tạo của chúng ta không chặt chẽ. Quy chế đào tạo đều có quy chuẩn chất lượng cho khóa luận Đại học hay luận văn thạc sĩ, tiến sĩ… và qua sự thẩm định của rất nhiều hội đồng. Nhưng, trong quá trình thực hiện không được nghiêm túc, không ai kiểm soát và các cơ sở đào tạo cũng không chịu trách nhiệm đến cùng về các sản phẩm đào tạo của mình. "Lỗi đầu tiên là do quy trình đào tạo của chúng ta không nghiêm. Trong trường hợp phát hiện một luận văn mua của người khác hoặc sao chép ở đâu đó thì bản thân người đó phải chịu trách nhiệm. Nhưng hội đồng xét duyệt cũng phải chịu trách nhiệm, những người tham gia hội đồng lần sau không được tham gia hội đồng nữa. Phải chặt chẽ như vậy thì mới có thể thay đổi được" - TS Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh.

Thực tế ở nước ta, ngay cả các trường có hình thức đào tạo liên kết với nước ngoài, cơ chế thẩm định cũng chưa được thực hiện chặt chẽ. Hiện nay các trường hầu như tự ý ký kết mà không có sự kiểm định. Ở các nước, bên cạnh việc quản lý của Nhà nước thì thường có hiệp hội kiểm định, nếu không có xác nhận của hiệp hội thì cơ sở đào tạo sẽ không được hoạt động.

Nhiều nhà quản lý giáo dục cho rằng, nước ta cũng nên có cơ chế như thế bởi Nhà nước không thể kiểm định tất cả các cơ sở đào tạo liên kết thì các hiệp hội sẽ đứng ra hỗ trợ và Nhà nước chỉ cấp giấy phép hoạt động tiếp tục khi có chứng nhận của hiệp hội. Bên cạnh đó, cũng cần khơi dậy lòng tự trọng ở người học, lấy mục đích có kiến thức, năng lực làm đầu và người học cũng phải cảm thấy xấu hổ khi không có trình độ nhưng vẫn có bằng cấp.