Lợi ích gian hàng Việt trực tuyến: “Cửa thoát hiểm” cho hàng Việt

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc tham gia các sàn thương mại điện tử (TMĐT), đưa hàng hóa trực tiếp từ sản xuất tới người tiêu dùng sẽ giúp DN giảm bớt khâu trung gian, đa dạng hóa kênh bán hàng, tạo đà cho xuất khẩu.

Đó là khẳng định của các chuyên gia kinh tế khi nói về những lợi ích mà Chương trình quốc gia “Gian hàng Việt trực tuyến” mang lại cho DN
Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận công nghệ 4.0

Khảo sát của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho thấy, thời gian gần đây các sàn TMĐT nở rộ nhưng lại chủ yếu bán hàng nhập khẩu và “bỏ quên” hàng Việt. Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ Công bằng Eatu (Buôn Mê Thuột) Trần Đình Trọng cho biết: Chất lượng cà phê mà đơn vị sản xuất rất tốt nhưng để đưa sản phẩm lên sàn TMĐT không hề dễ.
Nguyên nhân là do đơn vị thiếu trang thiết bị, đặc biệt nhân lực chưa đủ kiến thức, kỹ năng quản lý, vận hành, ứng dụng TMĐT. “Đây là điểm hạn chế lớn mà hầu hết các hợp tác xã đang gặp phải trong quá trình chuyển đổi phương thức kinh doanh từ truyền thống sang kinh doanh số” - ông Trọng nói.
 Doanh nghiệp sản xuất kết nối tiêu thụ hàng hóa với sàn TMĐT tại hội nghị. Ảnh: Lê Nam
Nhằm hỗ trợ DN khắc phục bất cập này, tại hội nghị “Gian hàng Việt trực tuyến hỗ trợ DN phân phối sản phẩm trên sàn TMĐT” do Trung tâm Xúc tiến - Đầu tư - Thương mại - Du lịch (HPA) vừa tổ chức, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Đặng Hoàng Hải cho biết: DN tham gia “Gian hàng Việt trực tuyến” sẽ được hỗ trợ đào tạo xây dựng chiến lược, giải pháp ứng dụng chuyển đổi số; Tham gia các chương trình kết nối cung - cầu trực tuyến, hỗ trợ chính sách tài chính, tiếp cận vốn vay ưu đãi… Có thể nói “Gian hàng Việt trực tuyến” sẽ là nơi chắp cánh cho thương hiệu và DN Việt đa dạng hóa kênh phân phối, hồi phục sản xuất, tiêu thụ hàng hóa hậu Covid-19.

Đồng tình với ý kiến này, Phó Giám đốc HPA Nguyễn Thị Mai Anh cho biết: “Gian hàng Việt trực tuyến” giúp DN đưa hàng trực tiếp tới người tiêu dùng đã tạo ra một không gian kinh doanh hàng hóa hiện đại, định vị đúng giá trị thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm, hình ảnh DN Việt Nam. Đặc biệt, các sản phẩm địa phương sẽ được hưởng lợi chung từ các hoạt động truyền thông, quảng bá trên “Gian hàng Việt trực tuyến” từ đó tiếp cận khách hàng toàn quốc. “Đây là vấn đề mà từng DN đơn lẻ khó có thể làm được trong thời điểm dịch Covid - 19 trên thế giới chưa khống chế được”- bà Mai Anh nói.

Ngăn ngừa hàng giả, hàng nhái

Thực tế cho thấy, chất lượng và nguồn gốc xuất xứ của hàng Việt bán trên các sàn TMĐT đang là chủ đề nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng người tiêu dùng, các cơ quan quản lý. Trong đó, việc ngăn chặn DN bán hàng giả, hàng nhái lợi dụng “Gian hàng Việt trực tuyến” để buôn bán luôn là mối quan tâm hàng đầu.
Phó Giám đốc Trung tâm thông tin (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số) Bùi Huy Hoàng khẳng định: Để giải quyết được hiện tượng hàng giả, hàng nhái kinh doanh trên sàn TMĐT, 100% hàng hóa mua, bán trên “Gian hàng trực tuyến” có sự phối hợp chặt chẽ giữa DN sản xuất với phân phối, áp dụng ứng dụng QR Code trong quản lý sản phẩm và truy xuất nguồn gốc... Đặc biệt DN trước khi được phép tham gia phải qua được vòng kiểm tra, đánh giá do Bộ Công Thương thực hiện.

Trong khi đó, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các sàn TMĐT cũng đã triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn hàng giả, hàng nhái. Giám đốc kinh doanh Sàn TMĐT Tiki Nguyễn Chí Thọ cho biết: Hiện Tiki đang áp dụng chính sách đền bù 111% cho người tiêu dùng nếu họ phát hiện hàng giả, hàng nhái trên sàn. Để thực hiện được điều này, Tiki luôn siết chặt kiểm soát chất lượng sản phẩm từ đầu vào cho đến khi sản phẩm đến tay khách hàng.
Tương tự, Chủ tịch Công ty CP Công nghệ Sen Đỏ Nguyễn Đắc Việt Dũng thông tin, đơn vị luôn phối hợp chặt chẽ với các nhãn hàng và chủ sở hữu nhãn để xác minh, loại bỏ hàng giả, nhái theo trình tự pháp luật. Trung bình 1 tháng/lần, đơn vị sàng lọc, kiểm tra, ngăn chặn, gỡ bỏ hàng giả, hàng nhái đối với các sản phẩm mới được đăng bán cũng như đã được đăng bán trên sàn TMĐT Sendo.vn.

Việc đưa vào hoạt động “Gian hàng Việt trực tuyến” với sự tham gia của các cơ quan quản lý, sàn TMĐT, ngân hàng và công ty cung cấp giải pháp quản lý chất lượng… sẽ giúp DN sản xuất có thêm kênh tiêu thụ hàng Việt, phục hồi sản xuất trong giai đoạn bình thường mới hậu Covid-19.

"“Gian hàng Việt trực tuyến” được thiết kế theo mô hình phân phối trực tiếp từ nhà sản xuất tới người tiêu dùng, thông qua các sàn thương mại điện tử Sendo, Voso, Tiki... Hoạt động này mở ra một kênh phân phối hàng hóa mới, hiện đại, được quản lý chặt chẽ cho các nhà sản xuất hàng Việt, định vị đúng giá trị thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm, hình ảnh DN sản xuất Việt Nam." - Phó Giám đốc HPA Nguyễn Thị Mai Anh


"Năm 2020, Sàn TMĐT Sendo.vn thu hút 1 tỷ lượt truy cập. Để tiếp tục duy trì vị trí, phục vụ khách hàng tốt hơn, đơn vị đang định hướng đưa Sendo.vn trở thành một Chợ của người Việt. Trong đó phân phối các sản phẩm Việt và hướng tới đông đảo người tiêu dùng. Đơn vị kỳ vọng “Gian hàng Việt trực tuyến” trên Sendo sẽ trở thành một điểm mua sắm uy tín cho người tiêu dùng hàng Việt khắp các tỉnh, TP trong cả nước." - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghệ Sen đỏ Nguyễn Quang Thuận

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần