Lợi ích kép của tự do hóa vận tải hàng không

Hồ Hạ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo ông Hoàng Nhân Chính - Trưởng ban Thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch quốc gia, tự do hóa vận tải hàng không không những nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành, mà còn tạo đòn bẩy cho ngành kinh tế xanh.

 
Được biết, Hội đồng tư vấn du lịch và Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân đã có thư gửi Thủ tướng đề xuất mở cửa bầu trời, tự do hóa vận tải hàng không và phát triển hạ tầng sân bay Việt Nam đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch nội địa, quốc tế. Xin ông chia sẻ mục đích của việc làm này?
- Thực tế, người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi về chất lượng, giá cả và dịch vụ nếu các DN có tính cạnh tranh cao, hàng không cũng không phải ngoại lệ. Do đó, bản đề xuất hướng tới mục đích giúp Việt Nam có một nền hàng không phát triển hơn nữa, tạo đòn bẩy cho ngành du lịch và người dân được hưởng lợi khi có nhiều lựa chọn hơn, chất lượng cao hơn với giá thành rẻ hơn.

Tự do hóa hàng không sẽ giúp ích gì cho ngành kinh tế xanh, thưa ông?

- Hàng không càng phát triển, thì các dịch vụ du lịch càng đa dạng. Chẳng hạn, tỉnh Hà Giang khó xây được sân bay lớn cho các loại máy bay phản lực, nhưng hoàn toàn có thể đi du lịch bằng trực thăng hoặc thủy phi cơ cất hạ cánh trên sông, hồ hoặc đường băng ngắn bằng đất hay lát ghi, nếu các hoạt động bay hàng không chung được mở cửa. Ngay cả giữa các sân bay hiện có, khi có nhiều hãng hàng không hơn thì số lượng các đường bay, chuyến bay cũng sẽ tăng lên, tạo cơ hội cho việc đa dạng hóa các sản phẩm du lịch nội địa, quốc tế. Thực tế, từ khi có sự tham gia của Vietjet Air, mạng đường bay nội địa, quốc tế của nước ta đã tăng lên đáng kể. Nếu có thêm 3 - 5 hãng hàng không nữa, thì du lịch sẽ phát triển hơn nhiều.

Theo ông, năng lực của các DN tư nhân liệu đã đủ sức để Việt Nam đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư và quản lý hệ thống sân bay?

- Sân bay Vân Đồn do Tập đoàn Sun Group đầu tư toàn bộ và trực tiếp quản lý, vận hành được đưa vào khai thác mới đây đã phần nào khẳng định DN tư nhân có đủ năng lực để đảm trách công việc này. Các nhà ga quốc tế tại Đà Nẵng, Cam Ranh cũng đã có sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân. Mặt khác, các dự án đầu tư hàng không rất đa dạng, quy mô từ mấy trăm tỷ đồng đến hàng chục nghìn tỷ đồng, dự án nào cũng có thể xã hội hóa được ở các hình thức, mức độ khác nhau. Ngay cả dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, nếu nhà nước giao, tôi tin vẫn có DN tư nhân Việt Nam làm được, thông qua hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài có kinh nghiệm. Xã hội hóa là giải pháp tốt nhất để đẩy mạnh đầu tư hạ tầng sân bay ở nước ta, đáp ứng nhu cầu phát triển vận tải hàng không và du lịch.

Xin cảm ơn ông!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần