Lợi ích kép từ mô hình phối hợp đào tạo nhân lực ngành nước

Mai Vân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thông qua chương trình hợp tác Đức - Việt nhằm thúc đẩy và nâng cao đào tạo chuyên ngành xử lý nước, các học viên sẽ được cấp chứng chỉ và được công nhận trình độ đào tạo tương ứng với những công nhân nước sạch của Đức.

Đó là chia sẻ của TS Juergen Hartwig - Giám đốc Dự án đổi mới đào tạo nghề tại Việt Nam (TVET) tại diễn đàn ngành nước Đức - Việt tại TP Hà Nội ngày 19/3.
Các chuyên gia Đức tham gia trực tiếp vào công tác đào tạo nghề.
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nguồn nhân lực có tay nghề và chuyên môn cao đang trở thành nhu cầu cấp thiết của các doanh nghiệp Việt Nam nói chung, trong đó vấn đề về nước sạch trong sinh hoạt đã trở thành chương trình mục tiêu quốc gia tại Việt Nam, theo đánh giá để thực hiện được chương trình này thì cần phải có đội ngũ nhân sự có chuyên môn cao hoạt động trong ngành nước.
TS Juergen Hartwig cho biết, từ năm 2015, dự án đổi mới đào tạo nghề đã triển khai chương trình đào tạo nhân lực cho ngành nước tại Việt Nam, trên cơ sở hợp tác trực tiếp giữa đơn vị đào tạo với doanh nghiệp. Quá trình đào tạo dựa trên nhu cầu sử dụng nhân sự tại các doanh nghiệp hoạt động liên quan đến ngành nước.
Chương trình đào tạo sẽ tập trung vào vấn đề xử lý nước thải tại các làng nghề, xây dựng các tiêu chuẩn về xử lý nước tại các làng nghề. Những học viên tham gia khóa học sẽ được kết hợp với các doanh nghiệp để có cơ hội vừa học vừa làm, các doanh nghiệp trả lương cho những học viên tham gia khóa học.
Theo TS Juergen Hartwig, mô hình này trong giai đoạn đầu, các doanh nghiệp phải trả tiền cho học viên, nhưng từ những năm tiếp theo thì doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi từ những đóng góp của học viên - những người trực tiếp tham gia vào các công việc của doanh nghiệp
“Với chương trình lợi ích kép này doanh nghiệp không phải mất quá nhiều thời gian đi tìm kiếm những nhân sự phù hợp với công việc của mình, những người được đào tạo gắn liền với những công việc thực tế do doanh nghiệp đưa ra” TS Juergen Hartwig chia sẻ.
Cùng với đó, các học viên trong chương trình đào tạo sẽ được sử dụng các trang thiết bị đào tạo theo tiêu chuẩn nghề của Đức. Cũng trong chương trình hợp tác đào tạo này, phía Đức còn Đức hỗ trợ chức năng điều phối về nghề nghiệp, đối với các công ty thì sẽ nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ của công ty và đội ngũ cán bộ này sẽ là những giảng viên trực tiếp để đào tạo cho các học viên.
Năm 2018, Dự án đã đào tạo xong được khóa học đầu tiên cho các doanh nghiệp ngành nước tại Việt Nam, theo đánh giá của các chuyên gia thuộc dự án, những học viên được đào tạo đã có trình độ năng lực, kỹ thuật tương đương với những công nhân kỹ thuật trong ngành nước tại Đức.
Đến thời điểm hiện tại Dự án đổi mới đào tạo nghề tại Việt Nam đã được thực hiện và nhân rộng mô hình đào tạo tại Hà Nội và khu vực miền Trung. Chương trình đào tạo được chia thành hai giai đoạn: Giai đoạn đầu tiến hành đào tạo sơ cấp, Giai đoạn thứ hai sẽ đào tạo nâng cao cho các học viên, cả hai giai đoạn đào tạo được tiến hành trong vòng 3 năm, giống như một chương trình học liên thông từ hệ Trung cấp lên Cao đẳng tại Việt Nam.
Được biết, mô hình kếp hợp kép trong đào tạo nghề được Chính phủ Đức triển khai thức hiện hỗ trợ từ nguồn vốn ODA để xây dựng các Trung tâm đào tạo nghề xuất sắc. Chính phủ Đức hỗ trợ cho nhà trường nguồn vốn ODA trị giá 21 triệu Euro (trong đó khoản phải hoàn trả là 13,5 triệu Euro và khoản không hoàn trả là 7,5 triệu Euro).