Lợi ích kép từ phế phẩm nông nghiệp

Bài, ảnh: Nguyễn Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo tập quán của người nông dân từ xưa tới nay, sau khi thu hoạch xong mùa mang các loại phế phẩm nông nghiệp như rơm, rạ, vỏ đỗ, thân cây ngô, rong, riềng… thường vứt bỏ hoặc đốt ngay tại ruộng.

Việc làm này ngoài ảnh hưởng tới môi trường, gây tắc nghẽn dòng chảy kênh mương còn lãng phí một nguồn nguyên liệu quý để tái phục vụ sản xuất.

Ông Trần Văn Vui - Chủ tịch Hội Nông dân xã Thọ An, giới thiệu mô hình xử lý rác thải thành phân sinh học vi sinh ở địa phương.

Trước thực trạng trên, Hội Nông dân huyện Đan Phượng đã triển khai thí điểm mô hình xử lý rác thải đồng ruộng thành phân sinh học vi sinh tại 2 xã Phương Đình và Thọ An. Qua 2 năm triển khai, bước đầu mô hình đã cho hiệu quả tốt. Theo đó, ngoài giải quyết vấn đề rác thải và tận dụng được các phế phẩm nông nghiệp để giảm chi phí sản xuất, việc sử dụng phân sinh học vi sinh còn giúp tăng năng suất sản xuất, làm tơi xốp, cải thiện chất đất vốn đã bị thoái hóa bạc màu do lạm dụng phân bón hóa học.

Là hộ tiên phong ứng dụng mô hình này, chị Nguyễn Thị Mai, xã Thọ An cho biết: Gia đình tôi có 8 sào trồng đu đủ, nếu sử dụng hoàn toàn phân bón hóa học thì ít nhất phải mất trên chục triệu đồng mua phân bón, thuốc trừ sâu một năm. Tuy nhiên, từ khi sử dụng phân bón sinh học vi sinh, chi phí này đã giảm đến 70%. Bên cạnh đó, tôi thấy cây sinh trưởng và phát triển tốt hơn, mức độ nhiễm bệnh nhẹ hơn, đồng thời chất lượng quả đậm đà hơn so với trước.

Để minh chứng, chị Mai dẫn chúng tôi tham quan vườn đu đủ của hộ bên cạnh không sử dụng phân sinh học vi sinh. Nhìn 2 vườn cây sát nhau nhưng vườn nhà chị Mai cây xanh tươi tốt, quả sai như bện, còn vườn cây bên cạnh lá xoăn, xuất hiện nhiều đốm và năng suất quả kém hơn hẳn. Chị Mai cho biết, từ thành công của gia đình chị, hiện nay rất nhiều hộ dân ở địa phương cũng học tập làm theo.

Chủ tịch Hội Nông dân Đan Phượng Thiều Văn Son cho biết, từ hiệu quả thực tế, bước đầu mô hình đã khẳng định được tính ưu việt, phù hợp với đời sống, sinh hoạt của người dân vùng nông thôn. Với đặc tính dễ làm, nhanh có kết quả, ít tốn kém, mô hình có thể áp dụng rộng rãi đối với nhiều loại cây trồng. Hơn nữa, chế phẩm sinh học dễ xử lý, dễ mua, giá thành rẻ, phổ biến trên thị trường. Theo đó, người dân chỉ việc thu gom các loại phế phẩm nông nghiệp sau thu hoạch đem về xử lý, cứ sau 1 lớp rác hữu cơ dày khoảng 30cm lại rắc 1 lượt chế phẩm vi sinh. Sau đó ủ kín khoảng 30 ngày, rác sẽ phân hủy thành phân hữu cơ và đã có thể sử dụng bón cho cây trồng. Chi phí xử lý 1 tấn phế phẩm là 25.000 đồng. Qua hiệu quả thực tế ở địa phương, nhiều hộ dân đã tự học hỏi và làm theo. “Tới đây, Hội sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động và có cơ chế chính sách hỗ trợ, nhân rộng mô hình ra toàn huyện để hướng người dân tới sản xuất nông nghiệp an toàn, bền vững” – ông Son nhấn mạnh.

Nhiều chuyên gia nông nghiệp đánh giá, mô hình xử lý rác thải thành phân sinh học vi sinh là một hướng phát triển nông nghiệp an toàn, bền vững trong bối cảnh hiện nay rất cần được nhân rộng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần