Lợi ích người tiêu dùng có đảm bảo khi điện, xăng, thuế tăng?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá điện tăng 7,5% từ ngày 16/3, giá xăng, dầu trong nước vừa được điều chỉnh, cùng với đó, thuế bảo vệ môi trường (BVMT) dự kiến tăng thêm 300% từ 1/5.

Điều này có tác động tới giá hàng hóa thế nào, lợi ích người dân có được đảm bảo hay không? Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long xung quanh vấn đề này?

 
Taxi hoạt động trên đường Nguyễn Chí Thanh. 	Ảnh: Công Hùng
Taxi hoạt động trên đường Nguyễn Chí Thanh. Ảnh: Công Hùng
Giá bán lẻ xăng trong nước vừa được điều chỉnh tăng hơn 1.600 đồng, đồng thời giữ nguyên mức trích vào Quỹ bình ổn (300 đồng/lít), nhưng mức chi quỹ giảm xuống (từ 2.448 đồng xuống còn 1.825 đồng/lít), ông nhận xét gì về lần điều hành này?

- Trong bối cảnh hiện nay, giá dầu thế giới đang phục hồi đi lên, DN kêu lỗ nặng, trong bối cảnh đó chỉ có 3 phương án xảy ra. Thứ nhất, giá xăng, dầu sẽ tăng mạnh để tương ứng với giá thế giới. Thứ hai, cơ quan điều hành sẽ cho DN xăng dầu sử dụng Quỹ bình ổn giá để bù lỗ nhằm giữ giá bán lẻ như hiện hành. Nếu sử dụng phương án 1 sẽ gây sốc trên thị trường bởi DN kêu lỗ 3.000 đồng/lít xăng dầu (tùy loại); còn phương án 2  sử dụng công cụ Quỹ bình ổn thì sẽ làm Quỹ mau cạn và giá dầu thế giới đang trong xu hướng hồi phục.

Cơ quan điều hành đã sử dụng phương án thứ ba là sử dụng đồng thời hai công cụ tăng giá một phần, phần còn lại bù đắp bằng việc sử dụng Quỹ bình ổn giá là hợp lý bởi sẽ giúp giá xăng tăng ở mức vừa phải, tránh gây sốc.

Tăng giá xăng trong thời điểm này có hợp lý hay không khi mà giá điện sắp tăng 7,5%, giá xăng tăng sẽ tác động thế nào tới giá cả hàng hóa và chỉ số giá tiêu dùng CPI?

- Tăng giá xăng là bất khả kháng vì giá thế giới đang cao hơn trong nước, kinh doanh xăng dầu sẽ lỗ. 70% xăng trong nước nhập giá thế giới, do đó buộc phải tăng giá trong nước theo. Chính ra phải xem xét việc tăng giá điện có hợp lý chưa, bởi với biên độ 7,5% chắc chắn sẽ tác động rất lớn tới mặt bằng giá hàng hóa, nhất là DN đang khó khăn, sẽ ảnh hưởng tới khả năng cạnh tranh của DN và nền kinh tế. Tuy nhiên, trong tháng 3 chỉ có xăng, dầu là ảnh hưởng tới chỉ số CPI thôi bởi xăng tăng trước thời điểm 15 tháng này. Trong khi điện tăng sau ngày 15 sẽ được tính vào CPI các tháng sau.

Nhân cơ hội này đòi hỏi cơ quan chức năng phải kiểm soát theo dõi chặt chẽ, không để giá hàng hóa tăng quá mức so với giá nhiên liệu, tát nước theo mưa và phải có chế tài xử lý nghiêm minh.

Thuế BVMT với mặt hàng xăng dự kiến tăng từ 1.000 lên 3.000 đồng từ 1/5, nhưng Bộ trưởng Bộ Tài chính nói không ảnh hưởng tới giá bán lẻ trong nước bởi sắp tới theo lộ trình sẽ giảm thuế nhập khẩu xăng từ 35% xuống còn 20%. Ông nhận xét gì về việc thực hiện lộ trình giảm thuế của Bộ Tài chính?

- Trong điều kiện sức mua còn hạn hẹp cần đẩy mạnh tăng sức mua lên bằng cách giảm thuế, tăng chi tiêu thì cơ quan quản lý trước đó lại tăng thuế (tăng lên 35%).

Còn về thuế BVMT, thứ nhất, nếu nói thuế nhập khẩu giảm phải tăng thuế môi trường thì mục đích là không đúng, nói như một vị ở UB Kinh tế của Quốc hội " lấy một loại thuế để bù đắp một loại thuế khác với mặt hàng đó thì có nên không?". Thứ hai, việc tăng thuế môi trường lên 300% là quá sốc, quá cao (tương đương thêm 2.000 đồng/lít, so với giá bán hiện nay là tăng thêm trên 10%), trong bối cảnh hiện nay thuế phí đã quá lớn. Dù tăng từ 1/5 nhưng nếu các yếu tố khác không thay đổi, sẽ làm cho giá xăng tăng thêm tương đối lớn.

Theo Hiệp định thương mại tự do nội khối ASEAN (ATIGA), Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) và Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA) năm 2014, phải giảm thuế nhập khẩu xăng từ 35% xuống mức 20%. Tuy nhiên đến nay đã sang 2015 nhưng mức thuế vẫn là 35%. 

Chưa kể theo số liệu năm 2014, mua của 3 khối trên mới là 4,6 triệu tấn, chiếm khoảng 64% tổng sản lượng nhập khẩu xăng dầu, còn lại là mua ngoài khối này. Mua trong khối này thuế nhập khẩu mới giảm, còn mua ngoài 3 khu vực này thì thuế nhập khẩu vẫn như vậy.

Theo tính toán, thu từ thuế BVMT mang lại để bù đắp hụt thu NS là 23.000 tỷ đồng, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu chỉ dùng trong BVMT, không dùng để bù hay chi vào các khoản khác. Vậy nên quản lý nguồn thu này thế nào?

- Thu được nhưng trong điều kiện Việt Nam còn nhiều vấn đề bởi phải sử dụng đúng mục đích, phải quy trách nhiệm, tuy nhiên Luật Ngân sách vẫn còn nhiều bất cập và kỷ luật ngân sách chưa nghiêm đòi hỏi phải có bộ phân cơ quan giám sát, như Quốc hội, Hội đồng Nhân dân, bộ phận về môi trường cũng phải theo dõi vấn đề này…

Theo Bộ Tài chính, thuế BVMT đưa ra để hạn chế sử dụng buôn lậu và khuyến khích sử dụng xăng E5? Lý do này đưa ra khả thi không, thưa ông?

- Đưa ra nhiều lý do giá xăng, dầu Việt Nam thấp hơn nhiều trong khu vực là vô lý, để xảy ra lậu xăng dầu cái đó là có cơ quan chức năng quản lý, anh không làm được phải bị xử lý, kỷ luật.

Còn lý do xăng E5 nghe có vẻ hợp lý, bởi loại xăng này không phải chịu loại thuế môi trường nhưng việc xăng E5 có sôi động hay không lại khác. Người tiêu dùng còn thấy xa lạ với sản phẩm này. Muốn vậy, giá phải rẻ hơn nhiều chứ ít hơn không đáng kể so với xăng truyền thống sẽ khó thu hút người tiêu dùng. Tính toán của các DN xăng dầu cho thấy, chi phí kinh doanh xăng E5 theo giá nguyên liệu, vận chuyển… hiện cao hơn vài trăm đồng/lít so với kinh doanh xăng truyền thống. Ưu đãi thuế với xăng E5 nhưng DN có thực thi giá tương xứng hay không lại là vấn đề.

Xin cảm ơn ông!

 
TS Nguyễn Minh Phong: Tăng thuế môi trường, phải được kiểm soát chặt chẽ
Tăng thuế BVMT đối với mặt hàng xăng, dầu là cần thiết nhất là trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay. Cùng với gia tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh thì vấn đề cũng như ý thức trong việc bảo vệ môi trường cũng được đặc biệt quan tâm nhằm tạo sức cạnh tranh cho mỗi nền kinh tế. Bên cạnh đó yêu cầu cải thiện môi trường đang là những thách thức của nhiều ngành, lĩnh vực, địa phương trong cả nước. Điều này đòi hỏi một nguồn kinh phí rất lớn.
Tuy nhiên để hài hòa, nên bỏ Quỹ bình ổn xăng dầu. Thực tế hiệu quả mà quỹ này mang lại không cao, thậm chí còn gây ra những tiêu cực, cơ chế xin - cho. Bên cạnh đó, việc sử dụng nguồn thu thuế môi trường đối với mặt hàng này cũng cần công khai, cần được kiểm toán thường xuyên. Thực tế thời gian qua, việc sử dụng nguồn thu này còn rất mù mờ, ít được đề cập đến. Nguồn tăng thêm từ thuế môi trường với mỗi lít xăng, dầu phải được chi đúng mục đích, không nên là khoản bù chi cho ngân sách. Điều đó là sự lạm dụng, môi trường không cải thiện, trong khi lại tăng thêm gánh nặng cho người dân. Còn để tăng thu cho ngân sách hiện nay vẫn còn nhiều dư địa, đó là việc tăng các cơ sở thu, bao quát các khoản thu đi đôi với việc chống thất thu… Đơn cử chỉ riêng nghiệp vụ chống chuyển giá thôi năm qua cũng đã tăng thu hơn 9.000 tỷ đồng, điều đó đòi hỏi ngành chức năng phải quyết liệt vào cuộc thay vì việc tăng thuế đơn giản hơn rất nhiều.
 
Ông Nguyễn Hồng Minh - Giám đốc hãng Taxi Nguyên Minh: Giá vận tải tăng giá là điều khó tránh khỏi
Trong điều kiện nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn như hiện nay, việc tăng thuế BVMT đối với xăng, dầu tới 300% chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các DN vận tải, bởi chi phí xăng, dầu hiện chiếm khoảng 30% chi phí đầu vào của DN. Phí BVMT tăng buộc các DN phải điều chỉnh giá cước vận tải để phù hợp với điều kiện thực tế là điều khó tránh khỏi. Chưa hết, thời điểm tăng thuế BVMT (từ ngày 1/5) cũng là mùa vắng khách, việc kinh doanh của các DN kinh doanh vận tải, đặc biệt kinh doanh taxi sẽ gặp nhiều khó khăn. Việc tăng thuế BVMT là cần thiết nhưng cần có lộ trình, không nên tăng mạnh đến 300% như đề xuất hiện nay.
 
Ông Đàm Quang Hòa - Phó Giám đốc Công ty CP Vận tải & Dịch vụ Bảo Châu: Thấp thỏm chờ những đợt tăng giá mới
Vài năm trở lại đây, giá xăng, dầu liên tục trồi sụt không ổn định mà cơ chế cho phép các DN vận tải tăng, giảm giá vé vẫn còn phức tạp. Chúng tôi cũng như nhiều DN vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt khác, xăng dầu chiếm khoảng 50 - 60% chí phí vận hành nên chịu ảnh hưởng rất lớn của giá nhiên liệu. Bởi thế mỗi lần có thông tin về các yếu tố tác động đến giá xăng dầu chúng tôi đều rất lo.
Trước mắt, giá xăng, dầu đã tăng hơn 1.600 đồng/lít, nhưng tới đây chúng tôi chưa biết giá mặt hàng này sẽ có mấy đợt điều chỉnh nữa, bởi vậy nên chúng tôi cũng chưa thể khẳng định có đề xuất xin tăng giá cước vận tải hay không. Tuy nhiên, nếu giá xăng, dầu tiếp tục tăng, chúng tôi sẽ hạch toán lại chi phí, nếu thực sự cần thiết và phù hợp thực tế chúng tôi mới xin tăng giá cước.
 
Giám đốc Công ty CP Công nghệ Tiêu chuẩn A Trịnh Hải Lâm: Doanh nghiệp sẽ chịu tác động lớn
Khi giảm thuế nhập khẩu xăng, dầu, DN và người dân đều kỳ vọng được hưởng lợi từ đó. Giờ lại tăng thuế BVMT đối với mặt hàng này khiến chúng tôi rất lo lắng. Lo lắng ở đây không chỉ là việc chi phí đầu vào bị đội lên mà có thể nhân cơ hội này một số DN xăng, dầu sẽ liên tục điều chỉnh tăng giá bán lẻ. Các hãng vận tải thời gian qua vừa mới tuyên bố giảm cước nhưng có thể sắp tới giá cước vận tải sẽ tăng trở lại. Chưa kể, giá điện cũng tăng giá càng làm gia tăng áp lực cho những DN sản xuất và phân phối như chúng tôi. Từ góc độ người tiêu dùng, tôi thấy mức tăng thuế BVMT với riêng xăng là từ 1.000 đồng/lít lên 3.000 đồng/lít là quá cao, rất cần cân nhắc đề có mức phù hợp, hỗ trợ cho DN.
Nhóm PV KT&ĐT