“Lồi lõm” và câu chuyện trách nhiệm

Minh Tường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cái nắp cống, nắp hố ga trên đường giao thông là trách nhiệm của không ít đơn vị. Thế nhưng số lượng không phản ánh chất lượng. Việc quản lý, xử lý những bất cập từ hố ga, miệng cống mất nắp cho đến những cái lồi lõm, trồi sụt, đe dọa người tham gia giao thông hàng ngày, hầu như đang bị ngó lơ, bỏ lửng.

 Lỗi lõm trên đường Giáp Nhất. Ảnh: Hoàng Hiệp
Những thông tin, hình ảnh hàng loạt hố ga “bẫy người” trên nhiều tuyến đường phố của Hà Nội vừa đăng tải những ngày qua không ít người giật mình vì từ những tuyến đường lớn cho đến con ngõ nhỏ, từ nội đô đến ngoại thành, đâu đâu cũng dễ dàng bắt gặp hình ảnh đó. Những miệng cống nhô lên, cao hơn mặt đường cả nửa gang tay, hay những miệng cống trống hoác, lúc nào cũng sẵn sàng nuốt chửng bánh xe, rình rập người đi đường. Không chỉ là những cái bẫy, gây mất an toàn giao thông nghiêm trọng, những miệng cống, hố ga còn là nét xấu xí, khắc khổ trên bộ mặt của đô thị Hà Nội.
Chuyện về cái hố ga, nắp cống, nếu bỏ ra bàn, có hàng tá cơ quan, đơn vị liên quan. Từ Sở Xây dựng, Công ty thoát nước, cấp nước, viễn thông, điện lực cho đến các ban quản lý dự án - chủ đầu tư của đường này, phố kia. Họ làm những công trình lớn, quản lý những mạng lưới rộng khắp TP, nhưng không biết vô tình hay cố ý, lại quên đi sự hợp lý của hàng trăm miệng cống, hố ga trên đường giao thông. Có người lý giải, chỉ sửa đường, không sửa cống, nên muốn miệng cống nó bằng với mặt đường, phải chờ đơn vị quản lý cống… sửa tiếp. Có người lại phân trần hố ga mất cắp nắp nhiều quá, không biết mất lúc nào để thay; mà muốn thay phải làm dự toán, xin thủ tục, vv và vv mới có tiền thay.
Thế mới biết, việc làm một con đường không có những miệng cống trồi lên như mụn nhọt khó khăn đến mức nào, cần sự “chung tay, đồng bộ” của rất nhiều ban, ngành, đơn vị liên quan chứ chẳng chơi. Thế mới biết việc bảo vệ một cái nắp hố ga, hay thay thế một cái nắp bị mất trộm phức tạp, chật vật ra sao. Đó là chưa kể đến việc người dân có kêu ca cũng chưa biết phải kêu đến đâu cho đúng “cửa”. Bởi không phải cái nắp cống nào cũng do địa phương quản lý, có cái do sở này, ban kia trông coi. Trách nhiệm phân rõ ràng nhưng “tại” dân không nắm được. Có cái thì hỏi nơi này, chỉ sang nơi kia, đi loanh quanh trong vòng tròn trách nhiệm mà tìm không ra điểm nào đột phá.
Vẫn biết làm đường thì không thể không làm cống thoát nước; muốn đường phố phong quang phải hạ ngầm dây cáp điện, cáp viễn thông. Nhưng làm rồi mà để đường lồi lõm miệng cống, hố ga, nơi nơi đánh bẫy người dân thì trách nhiệm của biết bao nhiêu cơ quan, ban ngành ở đâu? Những bất cập ấy chẳng phải xuất phát từ chính sự “lồi lõm” trong tinh thần trách nhiệm của họ hay sao?