Lối mòn hài Tết

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tính đến thời điểm này, trên thị trường băng đĩa hài Tết đã có gần 10 đầu sản phẩm mới ra mắt. Thế nhưng kịch bản vẫn theo lối mòn cùng nhiều danh hài quen mặt khiến nhà sản xuất thấp thỏm nỗi lo lỗ lãi.

Tiếng cười phản tác dụng

Sau khi Công ty CP Nghe nhìn Thăng Long, Công ty Trần Bình Trọng và một số đơn vị khác mở hàng các sản phẩm: “Đại gia chân đất 2016”, “Làng ế vợ”, “Tiền đồ”, sắp tới là đĩa hài “Chôn nhời 3”, “Trở lại”…, khán giả đã nhận ra mô típ kịch bản quen thuộc. Bao năm nay, những câu chuyện chọc cười sau lũy tre làng, cụ thể là thói xấu của người nông dân vẫn được các nhà sản xuất lựa chọn. Dựa trên bối cảnh làng quê nông thôn, các đĩa hài tập trung đi sâu vào khai thác những câu chuyện về thói hám danh của những kẻ “trưởng giả học làm sang” (“Đại gia chân đất”), hoàn cảnh tréo ngoe của một anh chàng “phi công trẻ” lỡ lái “máy bay bà già” (“Làng ế vợ”)… Nhiều đạo diễn còn xoáy sâu vào lời ăn tiếng nói, giọng địa phương để kích thích tiếng cười. Tuy nhiên, thủ pháp gây cười quá quen thuộc khiến tiếng cười của hài Tết ngày càng phản tác dụng.
Cảnh trong phim hài “Đại gia chân đất 2016”.
Cảnh trong phim hài “Đại gia chân đất 2016”.
Lý giải cho nguyên nhân không tạo ra được câu chuyện gây cười khác lạ, đạo diễn Phạm Đông Hồng – người gần 10 năm gắn bó với đĩa hài xứ Bắc cho biết: “Kịch bản hài ngày càng khan hiếm. Nhiều năm chúng tôi mở cuộc thi sáng tác kịch bản nhưng cũng không tìm được nội dung ưng ý”. Thậm chí, đạo diễn Trần Bình Trọng - “cha đẻ” của “Đại gia chân đất” và “Làng ế vợ” thẳng thắn thừa nhận: “Tôi vừa là nhà sản xuất, kiêm diễn viên và sáng tác kịch bản”. Vì không có người viết kịch bản, các nhà sản xuất buộc phải để đạo diễn phải tự biên, tự diễn bằng cách lên một kịch bản khung rồi đắp “da”, đắp “thịt” trong quá trình quay. Thiếu sự cộng hưởng của nhiều tư duy sáng tạo nên dù có đến gần 10 sản phẩm hài đã ra mắt nhưng chưa kịch bản nào để lại ấn tượng với người xem. Điệp khúc nhảm, nhạt và quảng cáo thương hiệu thô thiển được nhắc lại trong các sản phẩm hài Tết năm nay.

“Gà” quen

Không chỉ kịch bản theo lối mòn, diễn viên cũng thuộc diện quen tên như kiểu đạo diễn nào đi với “gà” đó. Đĩa hài do Trần Bình Trọng đạo diễn luôn luôn có danh hài Chiến Thắng, Quang Tèo, Giang Còi, Trung Hiếu, Bình Trọng, Hải Anh... diễn xuất. Bên cạnh đó, đạo diễn Phạm Đông Hồng lại chuộng gương mặt danh hài NSND Quốc Anh, Xuân Bắc, Tự Long, NSND Hồng Vân, NSƯT Xuân Hinh, Quang Thắng, Kim Oanh, NSƯT Minh Hằng... Các tiểu phẩm hài của “Xuân phát tài” lại càng “bất di bất dịch” với NSƯT Xuân Hinh, NSƯT Thanh Thanh Hiền, Hoài Linh, NSND Hồng Vân, Quang Thắng, Chiến Thắng...  Trong số những “gương mặt thân quen” kể trên, có nhiều diễn viên “phủ sóng” khắp các đĩa hài dịp Tết. Ví như trong vòng 5 năm trở lại đây, một mình diễn viên Chiến Thắng tham gia tới 5 đĩa hài Tết: “Khi vợ có bồ”, “Vua hài xài nhạc chế - Cười vui như Tết 2013”, “Kỳ phùng địch thủ”, “Chim mồi, chân gỗ” (Xuân phát tài), “Đại gia chân đất 3”. Năm nay, Chiến Thắng không thua kém mọi năm khi tham gia “Làng ế vợ”, “Tiền đồ”...

Quang Tèo, Giang Còi, Trung Hiếu, Xuân Hinh... cũng tham gia diễn xuất nhiều không kém. Diễn như cái máy thế nên ngày càng thiếu vắng những pha diễn xuất thần, những màn hài thâm thúy. Không ít diễn viên còn bị khán giả “ném đá” yêu cầu ngưng diễn. Các đạo diễn biết rõ đĩa hài đang thụt lùi vì diễn viên nhưng cũng rất khó để tìm gương mặt mới thay thế nên nhắm mắt “cố đấm ăn xôi”.

Biết rõ điểm yếu của đĩa hài Tết trong một vài năm gần đây nhưng đã là thông lệ nên cứ Tết phải có hài Xuân. Nhiều nhà sản xuất chia sẻ, đầu tư là vậy nhưng họ luôn trong tâm lý hên xui.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần