Lợi nhuận doanh nghiệp sau kiểm toán: “Bốc hơi” hàng trăm tỷ đồng

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau kiểm toán, hàng loạt chỉ tiêu trên báo cáo tài chính của DN nhảy múa, ít thì lợi nhuận "bốc hơi" vài ba tỷ, nhiều thì vênh hàng trăm tỷ đồng.

Thậm chí, báo cáo tài chính tự lập đẹp như mơ nhưng báo cáo sau kiểm toán lại lỗ đầm đìa. Điều này cho thấy báo động về độ trung thực cũng như tính chính xác, minh bạch của báo cáo tài chính do DN tự lập.
Số liệu nhảy múa

Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2017. Điểm đáng chú ý nhất trong báo cáo là việc lợi nhuận trước thuế của HAGL đã giảm từ 1.032 tỷ đồng trước kiểm toán xuống chỉ còn 371 tỷ đồng sau kiểm toán, nghĩa là “bốc hơi” tới hơn 660 tỷ đồng, tương đương mức giảm 64%. Tương tự, lợi nhuận sau thuế của Sabeco năm 2017 sau kiểm toán cũng bốc hơi hàng trăm tỷ đồng so với báo cáo tài chính mà DN này tự lập.
 Dây chuyền sản xuất bia lon tại Nhà máy Bia Sài Gòn. Ảnh: Văn Miên
Ngoài HAGL, Sabeco, sau kiểm toán, lợi nhuận LUT cũng giảm gần 98%, còn vẻn vẹn 37 triệu đồng. Nhựa Bình Minh lợi nhuận sau thuế cũng “lao dốc” hơn 6 tỷ đồng.

Thực tế, tình trạng “vênh” số liệu trước và sau kiểm toán của DN không phải là câu chuyện mới trên TTCK Việt Nam. Thậm chí, sau kiểm toán, có trường hợp, kết quả kinh doanh DN thay đổi hoàn toàn từ lãi sang lỗ. Câu chuyện lỗ - lãi thay đổi trong chớp mắt này là do nghiệp vụ kế toán hay ý muốn chủ quan để phục vụ lợi ích của DN là câu hỏi được nhiều nhà đầu tư đặt ra.

Năng lực hạn chế hay “nhào nặn” trục lợi?

Theo giải trình từ phía HAGL, các khoản chênh lệch sau kiểm toán là do thiếu sót về chuyên môn của nhân viên kế toán. “Chúng tôi cam kết sẽ rút kinh nghiệm và hạn chế các sai sót tương tự trong tương lai” - báo cáo giải trình gửi UBCKNN của HAGL cho biết. Tương tự, giải trình về việc sau kiểm toán DN lỗ 705 tỷ đồng thay vì 63 tỷ đồng theo báo cáo tự lập, Công ty CP Hùng Vương cho rằng, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự chênh lệch này là do giá trị khoản chi phí tài chính và chi phí quản lý DN sau kiểm toán điều chỉnh tăng mạnh.

Như vậy, mỗi DN đều có một lý do để giải trình cho sự “vênh” nhau giữa báo cáo tài chính tự lập và báo cáo tài chính đã được kiểm toán. Tuy nhiên, không ít nhà đầu tư vẫn băn khoăn về độ trung thực, tính minh bạch của báo cáo tài chính. Theo ông Phan Lê Thành Long - Giám đốc Viện Kế toán quản trị công chứng Úc tại Việt Nam, có ba lý do để giải thích cho tình trạng số liệu trên báo cáo tài chính DN tự lập khác xa so với sau kiểm toán. Đầu tiên là do năng lực lập báo cáo tài chính của DN còn hạn chế. Thứ hai, hệ thống chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán của Việt Nam còn nhiều hạn chế so với quốc tế khiến cho đội ngũ kế toán khó xử lý trong thực tế. Thứ ba, xuất phát từ chính ý đồ can thiệp vào báo cáo tài chính của lãnh đạo DN vì mục đích khác nhau. “Chẳng hạn, với DN trên sàn chứng khoán, họ can thiệp vào báo cáo tài chính để “làm đẹp” hồ sơ phát hành trái phiếu, cổ phiếu, vay vốn, chứng minh năng lực tài chính với đối tác, khách hàng… Đó là chưa kể, theo quy định của pháp luật chứng khoán hiện hành, nếu DN bị lỗ trong 3 năm liên tiếp sẽ bị buộc hủy niêm yết. Bởi vậy, không loại trừ khả năng DN tìm cách “làm đẹp” số liệu tài chính để không bị rơi vào thua lỗ triền miên, dẫn đến bị buộc phải rời sàn niêm yết” - ông Long lấy ví dụ.

Ngoài ra, ông Nguyễn Hoàng Hải - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cho rằng, một số trường hợp DN muốn “xào nấu”, che giấu những thông tin bất lợi để trục lợi từ giá cổ phiếu. Để thông tin đến với nhà đầu tư chính xác và rõ ràng hơn, ông Hải cho rằng, cơ quan quản lý cần mạnh tay với những DN thường xuyên sai phạm. Cần có chế tài và nhiều hình thức phạt, đặc biệt là nếu vi phạm nghiêm trọng thì cần khởi tố hình sự để thị trường chứng khoán ngày càng minh bạch hơn.