Lợn hơi tăng giá: Thận trọng tái đàn

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau một thời gian dài giảm giá do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, khoảng một tuần trở lại đây, giá lợn hơi có dấu hiệu phục hồi tích cực. Tuy nhiên, người chăn nuôi cũng nên thận trọng khi tái đàn, bởi dịch tả lợn châu Phi vẫn còn diễn biến khá phức tạp.

 Chăm sóc cho đàn lợn tại một trang trại ở Hà Nội. Ảnh: Phương Nga
Giá lợn liên tục tăng
Từ đầu tháng 4 tới nay, thị trường lợn hơi liên tục tăng giá. Theo thông tin từ Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), hiện giá lợn hơi trên thị trường dao động từ 38.000 - 48.000 đồng/kg. Tại miền Bắc, so với tuần trước, giá lợn hơi nhiều nơi đã tăng thêm 7.000 đồng/kg, có địa phương đã chạm ngưỡng 50.000 đồng/kg đối với lợn loại 1. Tại khu vực miền Trung, giá lợn hơi tại các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế đã trở lại mức 40.000 - 41.000 đồng/kg. Riêng các tỉnh miền Nam vẫn là khu vực có giá cao nhất cả nước, hiện đang dao động từ 40.000 - 51.000 đồng/kg. Thị trường thịt lợn tại Hà Nội cũng ghi nhận tín hiệu tích cực khi giá lợn hơi tăng lên mức từ 42.000 – 44.000 đồng/kg (tăng 5.000 – 8.000 đồng/kg).
Sau 30 ngày kể từ khi tiêu hủy lợn hoặc sản phẩm từ lợn bị nhiễm bệnh và đã thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy đinh, cơ sở từng bước nuôi tái đàn với số lượng khoảng 10% tổng số lợn có thể nuôi tại cơ sở. Sau khi nuôi tái đàn được 30 ngày, thực hiện việc lấy mẫu xét nghiệm, nếu tất cả các mẫu đều âm tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi, khi đó mới nuôi tái đàn hết công suất của cơ sở.

Phó Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán Thú y T.Ư Ngô Văn Bắc

Việc lợn hơi tăng giá trở lại đã phần nào giải tỏa tâm lý và khó khăn của người chăn nuôi. Ông Nguyễn Văn Khiển, thôn Nghĩa Sơn, xã Kim Sơn, thị xã Sơn Tây phấn khởi cho biết: “Gia đình tôi vừa xuất chuồng hơn 2 tấn lợn với giá 42.000 đồng/kg, so với tháng trước thì đã tăng gần chục giá nên có tiền trả cho đại lý cám và tái đầu tư chăn nuôi”.

Ngoài lợn thương phẩm, thị trường lợn giống cũng sôi động không kém, khi giá cả liên tục tăng. “Nếu như tháng trước gia đình tôi sống dở chết dở vì không bán được thì đến nay đã không còn lợn giống để bán. Tôi vừa xuất một lứa lợn giống với giá 1,3 triệu đồng/con, tăng 500.000 đồng/con” – ông Nguyễn Sơn, xã Cát Quế, huyện Hoài Đức nói.

Điều đáng mừng là người tiêu dùng đã không còn tâm lý “né” thịt lợn nên tình hình buôn bán của các tiểu thương đã ổn định trở lại. Đây là động thái tích cực sau khi các cơ quan chức năng nỗ lực vào cuộc kiểm soát dịch tả lợn châu Phi cũng như đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu đúng về dịch, tránh hoang mang mà tẩy chay thịt lợn. Hơn nữa, hiện nay, 3 địa phương là xã Đức Hợp, huyện Kim Động (Hưng Yên); phường Ngọc Thụy, quận Long Biên (Hà Nội) và xã Đại Đồng, huyện Tứ Kỳ (Hải Dương) đã qua 30 ngày không phát sinh thêm lợn mắc bệnh nên đã công bố hết dịch.

Không tái đàn ồ ạt

Nhận định về nguyên nhân lợn tăng giá mạnh trở lại, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng: Khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát, nhiều hộ chăn nuôi đã bán tháo đàn. Cùng với đó, số lượng lợn bị tiêu hủy do mắc dịch tả lợn châu Phi lớn nhưng hoạt động tái đàn chưa theo kịp khiến sản lượng thịt giảm sút cục bộ ở một thời điểm.
Từ nay đến cuối năm, giá thịt lợn dự báo sẽ tiếp tục lạc quan, với chiều hướng tăng thêm chứ không giảm. Trong đó, giá lợn có thể sẽ tăng cao trong khoảng từ quý III và quý IV/2019.

Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương

Ông Sơn khuyến nghị, để ổn định sản xuất, khi bảo đảm công bố hết dịch, các hộ chăn nuôi lợn nên tái đàn trở lại. Tuy nhiên, quá trình tái đàn cần phải thận trọng. Trong đó, lưu ý áp dụng theo quy trình an toàn sinh học, không nên tái đàn ồ ạt. Bởi mặc dù các vùng dịch đã công bố hết dịch nhưng có thể mầm bệnh, nguồn virus vẫn còn lưu hành dẫn tới nguy cơ tái phát ổ dịch nếu không áp dụng biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt.

Thời điểm này, dịch tả lợn châu Phi vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Vì vậy, các địa phương cần tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp khống chế dịch. Đặc biệt, những địa phương chưa xảy ra dịch bệnh cần chú trọng kiểm soát hoạt động kinh doanh, vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn trên địa bàn.