London mất vị thế trung tâm tài chính vì Brexit

Lan Hương (Theo Bloomberg)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các công ty tài chính lo ngại việc giao dịch tại Anh có thể gặp khó khăn sau khi nước này hoàn tất tiến trình rời Liên minh châu Âu (EU) - còn gọi là Brexit.

Theo một nghiên cứu của công ty kiểm toán Ernst & Young (EY), ngành tài chính của Anh vẫn là địa chỉ đầu tư quốc tế hấp dẫn nhất châu Âu, song khoảng cách với các trung tâm tài chính khác trong khu vực đang dần thu hẹp, do lo ngại những tác động từ tiến trình Brexit.
 London mất lợi thế vì Brexit.

Nghiên cứu của EY được thực hiện qua thăm dò ý kiến của 80 nhà đầu tư nước ngoài tại 20 nước trên toàn thế giới. Trong đó, 42% số nhà đầu tư cho rằng, việc đánh mất khả năng tiếp cận các thị trường EU là mối quan ngại chủ yếu nếu họ tiếp tục làm ăn tại Anh.

Hiện một loạt các ngân hàng lớn như Ngân hàng Woori (Hàn Quốc), Nomura, Daiwa và Sumitomo (Nhật) đã thông báo sẽ xin giấy phép hoạt động ngân hàng của các nước châu Âu khác.
Bên cạnh đó, TP Frankfurt (Đức) đang nổi lên như một ứng viên sáng giá thay thế vị trí này của London.
Tại Frankfurt, các tổ chức ở khu vực tư nhân cũng như khu vực công đã bắt đầu mời gọi các ngân hàng đến với TP. Trước đó, giữa tháng 6, “ông lớn” trong ngành ngân hàng Goldman Sachs của Mỹ cũng cho biết sẽ tăng gấp đôi quy mô nhân lực ở Frankfurt để ứng phó với các thay đổi do Brexit.
Frankfurt có lợi thế là thủ phủ tài chính của Đức và là nơi các cơ quan của khu vực Eurozone đặt trụ sở như Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB)... Ngoài tài chính, Frankfurt còn có nhiều lĩnh vực phát triển khác như công nghệ cao, công nghệ thông tin, y tế. Nhờ đó, Frankfurt có khả năng đánh bại các đối thủ cạnh tranh như Amsterdam (Hà Lan), Dublin (Ireland) hay Paris (Pháp).

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần