Lòng dân Thủ đô với Cách mạng Tháng Tám và Tổng Bí thư Trường Chinh

Quốc Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đã nhiều lúc tôi tự hỏi, tại sao vào thời điểm "nước sôi lửa bỏng" của quá trình chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa tháng Tám giành chính quyền, thành lập nên Nhà nước Công Nông đầu tiên ở châu Á, chúng ta chỉ có 5.000 đảng viên cộng sản, bộ máy lãnh đạo cao nhất của Đảng thì bị địch bố ráp, bắt bớ và giết hại vô cùng tàn khốc. Tuy nhiên, Đảng ta và Tổng Bí thư Trường Chinh vẫn có niềm tin lớn lao ở dân và dám dựa vào dân tuyệt đối để giành chính quyền.

“Rừng cây chưa chắc đã kín đáo bằng rừng người ...”

Để “giải mã” được một vấn đề hệ trọng nói trên trong giai đoạn tiền khởi nghĩa, chúng ta cũng nên nghe lại những phát biểu tại lễ Kỷ niệm 100 sinh của cố Tổng Bí thư Trường Chinh (năm 2007) của cố Bí thư T.Ư Đảng Hoàng Tùng, nguyên Trưởng ban Tuyên huấn T.Ư Đảng, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội, người từng đảm trách Chánh Văn phòng Tổng Bí thư năm xưa. Ông đã bày tỏ: "Trường Chinh là một lãnh tụ cách mạng của quần chúng, một con người đạo đức, nhân cách, cao thượng. Trước hết, ông là người cộng sản sẵn sàng hy sinh cả tính mạng của mình, hoạt động ở ngay trong TP Hà Nội thời kỳ mà cả thực dân Pháp và Nhật cùng thống trị. Mặc dù mang án tử hình vắng mặt và ảnh của ông treo khắp các nơi nhưng ông vẫn cứ len lỏi trên đất Hà Nội…”. “Ông là một nhân cách lớn, những người cộng sản chúng ta, tôi nghĩ rằng cần phải học và noi theo..." - đồng chí Hoàng Tùng nhấn mạnh.
Tổng Bí thư Trường Chinh thăm hỏi các đại biểu dự Đại hội Anh hùng, chiến sĩ thi đua công, nông, binh toàn quốc lần 2. Ảnh: TTXVN
Thực tế, khi T.Ư Đảng cử đồng chí Trường Chinh ra làm Bí thư Ban Chấp hành T.Ư lâm thời Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1940 bởi khi đó Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ bị bắt. Đồng chí Trường Chinh đã nghĩ ngay đến việc phải xây dựng khu căn cứ địa T.Ư ngay ở vùng ven Hà Nội nếu Đảng không muốn bị tổn thất nặng nề thêm. Từ 1930 đến 1941, cả 4 vị Tổng Bí thư của Đảng đều bị địch bắt và hy sinh (đó là các đồng chí Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập và Nguyễn Văn Cừ), không kể nhiều cán bộ cấp Trung ủy và Xứ ủy khác. Sự hy sinh quả là vô cùng lớn! Có ý kiến cho rằng, chúng ta nên đặt An toàn khu (ATK) ở những nơi hiểm trở. Nhưng đồng chí Trường Chinh có quan điểm khác: "Lòng người là cơ bản, khu an toàn phải là ở Hà Nội và gần đó vì chỉ khi tiện đường đi lại thì mới chỉ đạo được". Vì thế, mục tiêu lấy ngoại thành Hà Nội làm ATK quả là vô cùng mạo hiểm nhưng cũng rất có lý. Với cách nhìn táo bạo trên, đồng chí Trường Chinh đã vạch ra rất rõ, chỉ có xây dựng ATK ngay ngoại thành Hà Nội như vậy, bộ máy lãnh đạo Đảng mới có thể an toàn khi hoạt động ngay trong lòng địch.

Vậy là, dọc hai bên bờ sông Hồng ngoại ô Hà Nội giáp các tỉnh khác và ngôi làng Vạn Phúc, Hà Đông, Việt Minh đã gây dựng những cơ sở cách mạng vô cùng tin tưởng. Và rõ ràng, nhiều khi ở chính nơi tưởng là nguy hiểm nhất với người hoạt động bí mật lại là nơi an toàn nhất! Ông Trần Quốc Hương - Thư ký của cố Tổng Bí thư Trường Chinh (sau này là Trưởng ban Nội chính T.Ư) khi viết hồi ký đã nhắc lại một câu nói rất tâm huyết của Tổng Bí thư Trường Chinh với các cộng sự: "Rừng cây chưa chắc đã kín đáo bằng rừng người"!

Tham gia cứu nước đều là tâm nguyện

Khi cận kề ngày người dân cả nước đứng lên giành độc lập, đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Trưởng ban Kinh Tài của Đảng được giao nhiệm vụ tìm đến một gia đình cơ sở cách mạng ở 54 phố Hàng Gai - gia đình nhà tư sản Đỗ Đình Thiện (đây là gia đình từ năm 1943 đã bí mật giúp cách mạng nước nhà rất lớn) để móc nối, chuẩn bị đưa lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc từ Việt Bắc trở về Thủ đô. Bà Tường Vân, con gái cố Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng có lần kể lại lời của người cha mình rằng: Nếu như cơ sở 54 Hàng Gai, Hà Nội của ông bà Đỗ Đình Thiện không bị mật thám đưa vào "sổ đen" từ trước; nếu như cơ sở buôn bán này mà được rộng rãi hơn nữa và có đường thoát hiểm an toàn thì nơi lãnh tụ Hồ Chí Minh về Hà Nội sau ngày Tổng khởi nghĩa phải là nơi này chứ không phải là số nhà 48 Hàng Ngang, Hà Nội.

Khi tổ chức yêu cầu, bà Trịnh Thị Điền (vợ ông Thiện) đã rất cân nhắc. Là chỗ bạn thân với gia đình ông bà Trịnh Văn Bô - Hoàng Thị Minh Hồ, bà Điền đã phải suy tính và đi tới một đề xuất rất táo bạo. Với tư cách của một đảng viên được giao nhiệm vụ, bà đã báo cáo với đồng chí Nguyễn Lương Bằng những nhận xét đánh giá và dự kiến của mình về nơi có thể đưa lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Ban Thường vụ T.Ư Đảng về Hà Nội là nhà ông bà Trịnh Văn Bô ở 48 Hàng Ngang (có lối thông sang phố Hàng Cân). Tin ở lời giới thiệu từ đồng chí trung kiên của Đảng là Trịnh Thị Điền nên Tổng Bí thư Trường Chinh đã có quyết định vô cùng táo bạo, chọn nơi mà rất nhiều khả năng ngay đến cả bọn mật thám cũng tuyệt nhiên không bao giờ nghĩ ra rằng chúng ta có thể vào ở. Sau đó, Ban Thường vụ T.Ư Đảng ta cùng lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã vào ở chính ngôi nhà nói trên, bàn thảo nhiều nội dung quan trọng về đối nội, đối ngoại, về thể chế và thành phần của Chính phủ mới, công tác tổ chức ngày lễ Độc lập 2/9... Bằng tài cảm hóa của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và sau đó chính thức ra mắt quốc dân đồng bào ngày Quốc khánh 2/9 với tên gọi là Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người đã vận động ông bà Trịnh Văn Bô, ông bà Đỗ Đình Thiện cùng rất nhiều nhà tư sản yêu nước khác đứng ra làm gương, kêu gọi người dân cả nước ủng hộ Tuần lễ Vàng. Kết quả là mang về một nguồn tiền, vàng đầy ấn tượng và có thể nói là thắng lợi lớn ngoài dự kiến quyên góp từ dân chúng giúp cho ngân khố quốc gia, chỉ còn tiền rách trong kho, có tiền hoạt động.

Nếu chúng ta không có một lòng tin tuyệt đối ở những gia đình tư sản yêu nước nói trên thì làm sao có thể dám vào ở trong nhà của họ để bàn tính chuyện cơ mật, đại sự quốc gia đến vậy được. Ở chiều ngược lại, nếu dân không tin vào Đảng thì làm sao Đảng có thể lay động con tim của các tầng lớp quần chúng trong xã hội như họ khi đến với cách mạng và họ có thể đi theo cách mạng bằng một lòng tin tuyệt đối. Và Cách mạng Tháng Tám năm 1945, chúng ta đã làm được những kỳ tích vĩ đại là cũng nhờ có được lòng tin tuyệt đối từ cả hai phía đó!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần