Long Xuyên khởi sắc từ sản xuất đồ gỗ

Ngọc Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù nghề sản xuất đồ gỗ văn phòng xuất hiện ở xã Long Xuyên, huyện Phúc Thọ chưa lâu, song đã mang đến sự đổi thay lớn cho địa phương, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao.

 Một xưởng sản xuất đồ gỗ văn phòng ở xã Long Xuyên, huyện Phúc Thọ.
Là một trong những hộ đầu tiên ở Long Xuyên bén duyên với nghề sản xuất đồ gỗ văn phòng, anh Kiều Tiến Nhất, ở thôn Triệu Xuyên cho biết, khoảng 10 năm trở lại đây, nhờ chuyển sang làm bàn ghế học sinh mà gia đình anh đã có của ăn của để. Ngoài ra, xưởng sản xuất của gia đình anh còn tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động với mức thu nhập từ 7 – 9 triệu đồng/người/tháng. “Mừng nhất là làm nghề không lo đầu ra vì 100% sản phẩm đều làm theo đơn đặt hàng của các chủ cửa hàng đồ gỗ ở Hà Nội, sau đó được phân phối đi khắp các tỉnh, thành trên cả nước” – anh Nhất chia sẻ.

Thôn Triệu Xuyên hiện có hơn 100 hộ mở xưởng sản xuất đồ gỗ văn phòng và thu nhập khá từ nghề này. Phó Chủ tịch UBND xã Long Xuyên Phạm Hồng Sơn cho hay, trước đây, Long Xuyên không có nghề phụ, người dân chủ yếu dựa vào nghề nông. Năm 1995, một vài hộ đưa nghề mộc về xã. Nhờ nhạy bén thị trường, tinh thần vượt khó lập nghiệp của người dân và sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp chính quyền, nghề mộc ở Long Xuyên phát triển nhanh chóng. Đến nay, nghề đã nhân rộng ra toàn xã với gần 40 DN, hơn 300 hộ sản xuất.

Long Xuyên là một trong những xã có tốc độ phát triển kinh tế nhanh trên địa bàn huyện Phúc Thọ nhờ phát triển làng nghề. Năm 2018, giá trị từ phát triển làng nghề trên địa bàn xã đạt 113 tỷ đồng. Đáng chú ý, hầu hết các xưởng sản xuất ở địa phương đều đầu tư trang bị máy móc hiện đại, sản xuất theo hướng công nghiệp để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Nhờ đó, nhiều xưởng sản xuất doanh thu đạt 50 - 60 tỷ đồng/tháng. Còn người lao động cũng thu nhập bình quân đạt từ 6 - 10 triệu đồng/người/tháng. Để hỗ trợ nhau trong hoạt động sản xuất kinh doanh, năm 2017, hơn 70 DN, hộ sản xuất đã thành lập Câu lạc bộ Làng nghề xã Long Xuyên.

Theo ông Phạm Hồng Sơn, mặc dù đạt hiệu quả kinh tế cao, song người làm nghề vẫn trăn trở làm sao để làng nghề phát triển bền vững. Thực tế hiện nay, hầu hết DN, hộ sản xuất đều phải tận dụng diện tích đất thổ cư của gia đình để sản xuất nên gây ô nhiễm môi trường bởi bụi, tiếng ồn và rác thải. Không những thế, tình trạng tắc đường cũng thường xuyên xảy ra trong khu dân cư do các xe chuyên chở vật liệu ra vào hàng ngày. Nhằm tháo gỡ khó khăn, xã Long Xuyên đã quy hoạch điểm sản xuất xa khu dân cư và được TP chấp thuận với diện tích 5ha tại khu đồng Mả Chế. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa thu hút được DN vào đầu tư xây dựng hạ tầng. Điều này đang trở thành bài toán khó đối với địa phương, rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của TP và huyện để làng nghề được tiếp sức phát triển.