Lũ trên sông Hồng có khả năng lên cao 2m, 2 nhà máy thủy điện bị đất đá vùi lấp

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bản tin mới nhất của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nhận định, do ảnh hưởng của mưa lớn, mực nước trên hệ thống sông Hồng - Thái Bình có khả năng lên cao đến 2m.

 Mưa tiếp diễn khiến mực nước sông Hồng lên cao
Sáng nay (22/7), khu vực vùng núi Bắc Bộ tiếp tục có mưa vừa. Lượng mưa tính từ 19 giờ ngày 21/7 đến 7 giờ ngày 22/7 tại một số điểm được ghi nhận là: Cò Nòi (Sơn La) 44mm, Phù Yên (Sơn La) 53mm, Tuyên Quang 58mm, Hàm Yên (Tuyên Quang) 64mm…
Mực nước thượng lưu sông Lô tại Hà Giang đã đạt đỉnh ở mức 101,37m (vào hồi 10 giờ ngày 21/7), trên báo động 2 0,37m và đã xuống nhanh dưới mức báo động 1. Lúc 7 giờ ngày 22/7, mực nước tại Hà Giang ghi nhận là 96,73m, dưới báo động 1: 2,27m.
Trưởng phòng Dự báo thủy văn Bắc Bộ (Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia) Trịnh Thu Phương cho biết, chiều tối và đêm nay (22/7), ở khu vực vùng núi Bắc Bộ sẽ tiếp tục có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa vừa, mưa to (lượng mưa 10 - 30mm/12 giờ, có nơi trên 50mm/12 giờ). Đáng lo ngại, từ nay đến ngày 23/7, trên thượng lưu sông Hồng - Thái Bình có khả năng xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên từ 1 - 2m.
Trong đợt lũ này, mực nước đỉnh lũ trên các sông dưới mức báo động 1. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ ở các tỉnh vùng núi khu vực Bắc Bộ, đặc biệt tại các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Kạn. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ, lũ quét, sạt lở đất: Cấp 1.
Báo cáo mới nhất của Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai, cho thấy từ đêm 19/7, trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã xảy ra mưa to đến rất to, gây thiệt hại lớn về người và tài sản của Nhân dân trên địa bàn các huyện: Vị Xuyên, Bắc Quang, Hoàng Su Phì, Bắc Mê và TP Hà Giang. Đến trưa nay (22/7), số thương vong về người không thay đổi, khi mưa lũ đã khiến 5 người bị chết. Trong đó, có 3 người chết do sạt lở đất gây sập đổ nhà cửa và 2 người bị nước lũ cuốn trôi.
Mưa lớn khiến 1 nhà bị đất đá vùi lấp tại huyện Hoàng Su Phì, 1 nhà tạm bị lũ cuốn trôi hoàn toàn tại huyện Vị Xuyên. 64 nhà bị sạt đất đổ tường tại TP Hà Giang. Cùng với đó là 2.800 nhà dân ngập úng, nước tràn vào nhà, chủ yếu tại TP Hà Giang. Bà con nông dân các địa phương trên địa bàn tỉnh Hà Giang cũng hứng chịu thiệt hại lớn về sản xuất, khi ít nhất 446ha diện tích lúa mới cấy và hoa màu bị ngập úng thiệt hại. 9,77 ha cây lâm nghiệp, 7ha cây chè và 57ha ao cá truyển thống bị thiệt hại. Ngoài ra, 14 con trâu, 218 con gia cầm bị lũ cuốn trôi, hoặc bị chết do sét đánh...
Hạ tầng giao thông bị tổn thương nặng nề sau mưa lũ. Tai TP Hà Giang, 33 tuyến đường bị ngập nước vị trí ngập sâu nhất lên đến 1,2m. 3.800m3 đất đá sạt lở. Tại huyện Vị Xuyên, tuyến đường liên xã Quảng Ngần đi Thượng sơn bị sạt lở hoàn toàn 30m đường gây ách tắc giao thông; Sạt lở taluy dương tuyến đường xã Kim Thạch tại 6 điểm... Quốc lộ 2 tại km283 ÷ km285 khối lượng đất đá bị sạt lở ước 15.000m3. Quốc lộ 4C đoạn km2+050 ÷ km0+700 bị ngập úng cục bộ...
Đáng chú ý, 2 nhà máy thủy điện bị đất đá vùi lấp toàn bộ hệ thống máy móc, hiện đang phải tạm dừng hoạt động; cụ thể là: Nhà máy Thủy điện Thuận Hòa, huyện Vị Xuyên, và nhà máy thủy điện Thái An, huyện Quản Bạ.
Trước ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai đề nghị các địa phương thuộc tỉnh Hà Giang tiếp tục cảnh báo người dân hạn chế di chuyển (trừ trường hợp cần thiết), để giảm thiểu thiệt hại về người do ngập lụt. Di dời tạm thời tài sản đến nơi khô ráo, an toàn. Sau khi nước rút, địa phương huy động các lực lượng triển khai các biện pháp khắc phục (khơi thông, rửa dọn nhà và đường phố, khu vực dân cư)...
Cùng với đó, UBND tỉnh Hà Giang chỉ đạo các nhà máy thủy điện trên Sông Miện và Sông Lô thực hiện nghiêm túc quy chế phối hợp cung cấp thông tin vận hành đón, xả lũ các nhà máy thủy điện. Khi xả lũ, cần thông tin và cảnh báo đến chính quyền và người dân khu vực hạ du các nhà máy để chủ động phòng tránh, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân.