Lựa chọn phương tiện giao thông để giúp cải thiện môi trường

Hà Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm gần đây, số lượng phương tiện giao thông đường bộ tăng nhanh theo tốc độ phát triển kinh tế. Bên cạnh những lợi ích nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải và đi lại của người dân, khí thải từ các phương tiện giao thông đang là một nguồn chính gây ô nhiễm không khí ở các TP.

 Nhiều người đã chọn xe đạp là phương tiện di chuyển trong thành phố.
Xe máy là nguồn phát thải chủ yếu

Để làm sạch môi trường không khí, Chính phủ đã ban hành Đề án “Kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy tham giao thông tại các tỉnh, TP tại Quyết định số 909/QĐ-TTg ngày 17/6/2010”. Một trong những mục tiêu đến 2015 là thực hiện kiểm định đạt tiêu chuẩn khí thải từ 80 - 90% số lượng xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên với những lý do chủ quan và khách quan, cho đến nay mục tiêu này chưa thực hiện được.

Theo TS Lê Quý Thủy - chuyên gia Viện Khoa học và Công nghệ giao thông vận tải (ITST), trước kia, việc kiểm soát khí thải xe máy chưa thực hiện được do người dân chưa đồng thuận. Tuy nhiên, hiện nay, do chất lượng không khí ở các TP lớn đáng báo động nên đại đa số người dân đã muốn kiểm soát khí thải xe máy để làm sạch môi trường sống. “Qua điều tra tại TP Hồ Chí Minh, số người đồng ý phải tra khí thải xe máy lên đến 78,63%. Đây là tín hiệu đáng mừng" - TS Lê Quý Thủy nhìn nhận.

Hà Nội hiện có khoảng 5,4 triệu xe mô tô, xe máy. Lượng xe sử dụng trên 10 năm tuổi chiếm tỷ lệ tới 52,13%. Các xe cũ có thể sẽ làm gia tăng mức phát thải chất độc hại vào không khí nếu chúng không được bảo dưỡng theo quy định. Nếu thực hiện được kiểm định khí thải thì hàng năm, riêng các TP lớn như TP Hồ Chí Minh, TP Hà Nội sẽ giảm được 676,122 tấn CO2 tương đương với tỷ lệ 55,93% so với tổng lượng phát thải.

Tuy nhiên, TS Lê Quý Thủy cho rằng, nếu kiểm soát được khí thải tại các TP lớn, lượng khí độc hại phát thải ra môi trường không khí sẽ được giảm đi nhiều nhưng cần phải đầu tư kinh phí, đào tạo nguồn nhân lực tương đối lớn. “Vì vậy, để có thể thành công với các mục tiêu, dự án lớn về cải thiện chất lượng không khí đô thị thì mỗi cá nhân hãy bắt đầu từ những thay đổi trong việc lựa chọn phương thức đi lại như đi bộ, sử dụng phương tiện công cộng hay đi xe đạp, xe đạp điện…”- TS Lê Quý Thủy phân tích.

Cải thiện từ lựa chọn cách đi

Theo thống kê, hoạt động giao thông chiếm tới 70% tỷ lệ gây ô nhiễm không khí tại Hà Nội. Bởi vậy, giảm phương tiện giao thông cá nhân, tăng tỷ lệ người tham gia phương tiện giao thông công cộng sẽ là biện pháp hữu hiệu nhất để cải thiện chất lượng không khí ở Hà Nội. Tại các TP lớn, mặc dù ô tô, xe máy vẫn là phương tiện di chuyển chủ yếu nhưng cũng không ít cá nhân lựa chọn cho mình việc đi trong TP bằng các phương tiện công cộng như xe buýt, sử dụng các loại phương tiện giao thông chạy bằng nhiên liệu sạch, hay đi Grab, xe đạp…

Tại Hà Nội, không ít các tổ chức, cá nhân đã đưa ra nhiều phương thức truyền thông, hoạt động rất thiết thực nhằm kêu gọi mọi người cùng tích cực thay đổi thói quen trong việc đi lại. Chị Lê Phương Chi, hiện là giảng viên một trường đại học tại Hà Nội và là Admin group Đạp xe đi làm/Cycle to work, chia sẻ: “Tôi đã sử dụng xe đạp làm phương tiện di chuyển chính từ năm 2013. Qua kết nối với những người có cùng đam mê, chúng tôi đã thành lập nhóm Đạp xe đi làm, thu hút được rất nhiều thành viên trên khắp 3 miền đất nước tham gia”.

Có thể thấy, ô nhiễm môi trường và không khí xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, song việc lựa chọn sử dụng phương tiện, cách di chuyển hợp lý sẽ góp phần làm sạch không khí, nâng cao chất lượng môi trường sống.