Hà Nội được đánh giá là một trong những điểm đến an toàn, thân thiện hàng đầu thế giới. Tháng 7/2018, tạp chí Hello (Anh) đã xếp Hà Nội đứng đầu danh sách 7 điểm đến tốt nhất châu Á dành cho "Tây balô".Tuy nhiên, những vụ việc lừa đảo, “chặt chém” du khách quốc tế phần nào làm ảnh hưởng tới hình ảnh đẹp của du lịch Thủ đô. Nhóm phóng viên báo Kinh tế và Đô thị thâm nhập thực tế điều tra với loạt bài "Lật tẩy chiêu trò lừa đảo, chặt chém du khách nước ngoài" phản ánh tình trạng “chăn” khách nước ngoài; đồng thời, tìm những giải pháp căn cơ giúp làm sạch môi trường du lịch Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung.
Trong Kỳ 1: "Biệt đội chăn Tây” và thủ đoạn cướp khách kiểu mới trên sân bay Nội Bài”, nhóm PV phản ánh về tình trạnh "cò" taxi trên sân bay Nội Bài.
Mời quý độc giả theo dõi Kỳ 2: "Đội quân" hàng rong và kỹ nghệ "chặt chém" khách Tây
Clip "đội quân" bán hàng rong "chặt chém" tại khu phố cổ và phố đi bộ quanh hồ Gươm và phụ cận.
Tiếp tục hành trình lật tẩy kỹ nghệ “chặt chém” du khách quốc tế tại Hà Nội, trong vai người nước ngoài, nhóm phóng viên báo Kinh tế và Đô thị đã giáp mặt với gần 20 người bán hàng rong “chặt chém” trong khu phố đi bộ quanh hồ Gươm và khu phố cổ.
300.000 đồng một vỉ kẹo cao su
Trưa thứ Bảy (ngày 4/8), quanh phố đi bộ hồ Gươm và vùng phụ cận có hàng chục người bán hàng rong đi lại tấp nập. Đoạn phố Hàng Bài có 15 người bán hàng với đủ dịch vụ, từ bán bánh rán, trái cây, bò bía, nước các loạt, kem, bánh đúc, thiệp, súng bắn bong bóng… đến đồ chơi, dịch vụ cân điện tử. Người ngồi, người đứng, kẻ đu bám khách không khác gì cái chợ. Tương tự, đoạn phố Tràng Tiền có gần 20 người bán hàng rong. Vỉa hè Bưu điện Bờ Hồ (VNPT Hà Nội) cũng có hơn 10 “gánh” hàng hóa...
Một số mặt hàng phóng viên báo Kinh tế và Đô thị phải mua với giá ''trên trời'' tại khu phố đi bộ quanh hồ Gươm. |
Phố đi bộ hồ Gươm, khu phố cổ được coi là ''thiên đường'' của những người bán hàng rong ''chặt chém''. |
Trong vai một người nước ngoài, vừa đặt chân vào khu vực ven hồ Gươm trên đường Lý Thái Tổ, chúng tôi đã đụng mặt người phụ nữ bán quạt giấy chừng 50 tuổi. Bà sấn sổ nhao đến chèo kéo khách mua hàng với giá 150.000 đồng/chiếc. Tôi không mặc cả và đưa ra 120.000 đồng. Nhanh như cắt, bà nhao bàn tay phải ra như cướp lấy hai tờ tiền 100.000 đồng và 20.000 đồng từ tôi.
'Siêu cò'' trên phố Lê Thái Tổ lấy 120.000 đồng một chiếc quạt giấy, 200.000 đồng một miếng dứa, 300.000 đồng một vỉ kẹo cao su. |
Sau đó, người phụ nữ tiếp tục chèo kéo tôi mua dứa của một người bán hàng lớn tuổi. Tôi chọn mua miếng dứa ¼ quả, trong khi đang cầm trên tay tờ 500.000 đồng. Lúc này, người bán quạt như “mèo thấy mỡ”, lao vào, cướp tờ tiền và vo gọn trong lòng bàn tay, rồi nhét nhanh vào túi đeo trước bụng. Tôi hỏi lại: “Ok?”, bà ta vừa xua tay, vừa nói: “Go go” (đi đi- PV). Tôi không đồng ý, “siêu cò” lập tức bới tiền trong túi để trả lại, nhưng có vẻ không đủ, nên bà ta đã chạy đi đổi tiền.
Khoảng 3 phút sau, bà “cò” trở lại, đưa cho tôi 300.000 đồng, bà bán trái cây 100.000 đồng. Nhờ vốn tiếng Anh, người này tiếp tục mồi chài tôi mua một vỉ kẹo cao su của bà bán hàng rong khác. Cũng như 2 lần trước, “siêu cò” lại cướp 300.000 đồng trong tay tôi một cách thuần thục. Vừa thở dốc, mắt bà ta vừa đảo như rang lạc xem có lực lượng chức năng hay không, và nói với những người bán hàng rong khác: “Đi đi, nó (công an – PV) bảo họp chợ cóc, nó đuổi đấy”.
Mặt bà ta lúc này trông bợt bạt, môi thâm xì, mắt ráo hoảnh, trông rất khó ưa. Trong siêu thị, vỉ kẹo này chỉ có giá 5.000 đồng, nhưng “siêu cò” đã bán gấp 60 lần, với 300.000 đồng, khiến tôi có cảm giác mình bị những người bán hàng ăn cướp.
Cũng tại khu vực này, một người bán bánh rán đã “chặt chém” vị khách “nửa Việt, nửa Tây” năm chiếc bánh rán với giá 200.000 đồng. Người bán hoa quả dầm lấy 50.000 đồng cho túi sấu chừng 150g. Còn người bán thiệp giấy nghệ thuật thu 80.000 đồng một chiếc.
Mách nước cho đồng nghiệp
Tiếp tục hành trình lật tẩy kỹ nghệ “chặt chém” du khách nước ngoài của đội quân bán hàng rong, tôi vẫn trong vai một người nước ngoài tiến sang phố Tràng Tiền. Một người bán quạt giấy có vẻ ngập ngừng hét giá, bởi chị ta nghi ngờ tôi không phải khách nước ngoài. Sau khi đoán tôi là người Hàn Quốc, chị ta lấy 100.000 đồng cho chiếc quạt.
Trong vai nữ du khách nước ngoài, phóng viên báo Kinh tế và Đô thị đã mua vỉ kẹo này với giá 300.000 đồng. |
Chị ta tiếp tục chèo kéo tôi mua những hàng hóa khác, nhưng tôi không đồng ý và quay sang gánh trái cây. Ở đây, tôi phải trả 50.000 đồng cho 4 miếng xoài xanh và 2 miếng cóc chừng 100g; 50.000 đồng cho 200g củ mã thầy. Một người bán trái cây khách cũng đã “chém” tôi 100.000 đồng một quả xoài xanh dầm, chừng 200g.
Tôi và bạn trai đang ngồi nghỉ chân ở ghế đá thì có một người đội nón bê thúng bánh rán đến mời mỗi người một chiếc. Chúng tôi ăn xong, thấy không hợp khẩu vị nên không đồng ý mua. Người này vẫn tiếp tục nài nỉ với giá 10.000 đồng một chiếc và đòi tiền 2 chiếc bánh rán chúng tôi vừa ăn xong. Bạn trai tôi rút từ ví tờ 200.000 đồng, đưa cho người bán hàng, bà ta cầm tiền, nói: “Ok”, rồi bỏ đi. Chúng tôi cảm thấy như mình bị lừa và bị ăn cướp trắng trợn. Du khách Amy O Dwyer, đến từ Ireland | |
Như vậy, tôi đã mua 5 chiếc bánh rán với giá 230.000 đồng, trong khi giá thông thường bán cho người Việt là 16.000 đồng (5.000 đồng một bánh que, và 2.000 đồng một bánh bi hoặc quẩy).
Vẫn trên phố Tràng Tiền, tôi đã mua 8 chiếc bánh rán của một người khác với giá 80.000 đồng; 4 bánh rán bi với giá 100.000 đồng. Cả 2 người bán hàng đều ra vẻ thân thiện khi tặng thêm khách một bánh rán bi.
Ở góc vỉa hè Tràng Tiền – Hàng Bài, người bán rong lấy của tôi 100.000 một hộp bánh trôi gồm 13 chiếc và một chiếc bánh đúc cũng với giá 100.000 đồng. Nhìn sang hàng bán xúc xích có niêm yết giá 10.000 đồng/chiếc, tôi đã hy vọng ở đây mình sẽ không bị chặt chém. Tuy nhiên, bà này đã lấy hết 45.000 đồng tôi đưa, khi tôi chỉ mua một chiếc xúc xích.
Sau khi mua hàng của 10 người trên phố Tràng Tiền, tôi phát hiện ra những người bán hàng rong ở đây có sự móc nối, phối hợp nhịp nhàng với nhau. Khi người bán quạt “chặt chém” được tôi, chị ta đã mách nước cho đồng nghiệp: “Người Hàn Quốc đấy, cứ lấy giá cao vào”. Cứ như vậy, họ bảo nhau hét giá trên trời, thu tiền thật cao của du khách nước ngoài.
Thời gian qua, rất nhiều vụ việc khác cũng được phát hiện, xử lý tại khu phố cổ và các điểm du lịch như: Hai vị khách nước ngoài đi từ Quảng Bình ra Hà Nội bị lái xe trả lại hai tờ tiền vàng mã; vợ chồng người Hà Lan bị tài xế taxi “chém đẹp” 870.000 đồng cho quãng đường 7 km; một nữ du khách phải trả 700 nghìn đồng cho một túi bánh rán nhỏ ở khu vực phố cổ; tài xế taxi bị bắt hai lần vì thu tiền của khách quốc tế cao gấp 10 lần giá báo trên đồng hồ; chủ quán Karaoke Kiss ở số 34, ngõ 121 phố Thái Hà thu của khách Trung Quốc và phiên dịch đi cùng 15.430.000 đồng, khi hóa đơn là 2.100.000 đồng… Thậm chí, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn phải gửi thư xin lỗi du khách người Úc khi họ bỏ tiền mua tour tham quan Vịnh Hạ Long nhưng lại phải trải qua hành trình “ác mộng” trên chiếc tàu cũ kỹ, kém chất lượng ở Cát Bà, Hải Phòng. Gần đây nhất, hai du khách người Tây Ban Nha đã phải trả 1.500.000 đồng khi đi di chuyển bằng xích lô với quãng đường chừng 2km; bị tài xế taxi trả lại 900.000 đồng bằng tiền âm phủ, khiến dư luận dậy sóng. |
Chỉ “chặt chém” khách Tây
Bên cạnh những kẻ chuyên lừa đảo, chặt chém khách Tây, tôi cũng gặp không ít người bán hàng rong tốt bụng. Ông Khắc, 64 tuổi (trú phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm) bán kem ống Hội An với giá 5000 đồng/cây là một trong số đó. Ông cho biết, suốt nhiều năm qua, ông chưa bao giờ tăng giá bán hay phân biệt khách trong nước với nước ngoài.
Thấy hai mẹ con một người bán hàng rong đang ngồi ăn trưa, tôi tiến đến mua dây buộc tóc, chị này không biết tiếng Anh, nói tiếng Việt: “10.000 đồng 3 chiếc”. Khi tôi đưa 150.000 đồng, chị bán nước mía cũng chỉ lấy 15.000 đồng và còn nhường ghế ngồi cho nữ du khách. Cô sinh viên bán nơ hoa cài tóc thuê cũng chỉ lấy đúng 30.000 đồng một chiếc.
Ông Khắc bán kem tiết lộ, những kẻ bán hàng rong vô lương chỉ “chặt chém” du khách nước ngoài, còn người Việt vẫn bán đúng giá. Những người bán hành rong, xe ôm, taxi quanh phố đi bộ đa phần từ tỉnh lẻ đến như: Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên, không phải người dân ở Hà Nội.
Người bán kem tử tế ấy cũng rất bức xúc với nạn bán hàng rong chặt chém ở khu phố cổ. Ông kể, trước khi quát "giá trên trời" với khách Tây, những người bán hàng “chặt chém” thường phải liếc nhìn xung quanh để đảm bảo không có công an. Sau khi nhận tiền, họ sẽ rời đi rất nhanh để tránh bị lộ, hoặc khách tìm trả lại hàng.
“Chỉ có đâu vài người bán hàng rong, vài người đạp xích lô “dù” làm bậy, vậy mà làm xấu đi hình ảnh đẹp vốn có của đất Hà Nội và người Hà Thành”, ông ngán ngẩm nói.
Không chỉ người bán hàng rong, một số cửa hàng quần áo, đồ lưu niệm, hàng ăn trong khu phố cổ cũng phân biệt giá bán giữa người Việt và khách nước ngoài. Chẳng hạn, cùng một chiếc nón, một cửa hàng trên phố Lò Sũ bán cho khách Việt 40.000 đồng, nhưng bán cho khách nước ngoài 80.000 đồng.
Với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, tình trạng "chặt chém" khách nước ngoài ở Hà Nội đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, nạn lừa đảo, phân biệt giá đối với khách tây-khách ta vẫn đang khiến hình ảnh du lịch Thủ đô trở nên méo mó. Người trong cuộc nói gì về hành vi của mình, cơ quan quản lý sẽ xử lý ra sao? Tất cả sẽ được nhóm phóng viên báo Kinh tế và Đô thị đề cập trong kỳ 3.
(Còn nữa…)