Cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh: Lửa thử vàng

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong điều kiện bình thường, vai trò của đội ngũ cán bộ, đảng viên cấp cơ sở xã, phường đã được đánh giá là vô cùng quan trọng.

Có thể nói, mọi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước hầu hết đều được triển khai thực hiện ở cấp cơ sở. Thực tế, những ngày chống dịch vừa qua lại một lần nữa chứng minh sự đúng đắn của nhận định này.
Trong hoàn cảnh chống dịch như chống giặc, thực hiện giãn cách xã hội cũng như kiểm soát, cách ly các nguồn lây nhiễm… vai trò của chính quyền cấp xã, phường cùng đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị ở cơ sở là vô cùng cần thiết, quan trọng.
Đặc biệt, điều này còn thể hiện rõ trong bối cảnh Hà Nội vừa cùng cả nước thực hiện nghiêm việc cách ly xã hội theo đúng yêu cầu của Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng, vừa thực hiện các giải pháp quyết liệt với phương châm “đến từng ngõ, gõ từng nhà” góp phần xử lý ổ dịch nguy hiểm tại Bệnh viện Bạch Mai, truy dấu vết những người có liên quan đến các ca bệnh nhiễm và nghi nhiễm. 
 
Những ngày qua, cùng với tin vui về các kết quả trong công tác phòng chống dịch, có một thông tin làm người dân yên lòng hơn khi chung tay phòng chống dịch bệnh. Đó là tại phiên họp bất thường ngày 8/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí với việc cần ban hành một số chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thống nhất về các nguyên tắc hỗ trợ như báo cáo của Chính phủ đã đề xuất. Với sự đồng thuận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ sẽ sớm ký quyết định ban hành Nghị quyết về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Dự kiến, tổng mức kinh phí khoảng 62.000 tỷ đồng sẽ được sử dụng để hỗ trợ những người bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm, không đảm bảo mức sống tối thiểu do tác động trực tiếp bởi dịch Covid-19. Sẽ có khoảng 20 triệu người thuộc 6 nhóm đối tượng khác nhau nhận được hỗ trợ trong thời gian tối đa là 3 tháng.
Với quan điểm cùng với nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh, vấn đề bảo đảm an sinh xã hội để bảo đảm cuộc sống tối thiểu, tái sản xuất sức lao động cho người dân có ý nghĩa quan trọng, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về dự thảo Nghị quyết về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra những yêu cầu hết sức cụ thể. Đó là việc hỗ trợ phải bảo đảm khẩn trương, không để người dân chờ đợi lâu, chi hỗ trợ phải đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để diễn ra tình trạng trục lợi chính sách.
Để việc triển khai thực hiện gói hỗ trợ bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, thuận lợi Thủ tướng yêu cầu phải có sự vào cuộc tích cực của toàn hệ thống chính trị các cấp, đặc biệt là ở cấp cơ sở xã, phường. Rõ ràng, vai trò của đội ngũ cán bộ cấp cơ sở xã phường, đặc biệt là những người đứng đầu với sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt, công tâm là hết sức quan trọng, nhất là trong điều kiện đa phần các đối tượng trong diện được hỗ trợ làm ăn, sinh sống trên địa bàn các phường, xã.

Hơn 2 tháng qua là thời gian toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tập trung mọi nguồn lực, quyết tâm phòng chống, chiến thắng đại dịch. Đây cũng là thời gian tiến hành Đại hội Đảng bộ cấp cơ sở, trong đó có các đảng bộ xã, phường theo kế hoạch.
Để tập trung chống dịch và thực hiện giãn cách xã hội, nhiều địa phương đã có chủ trương tạm hoãn Đại hội Đảng bộ cấp cơ sở với quan điểm chỉ đạo là tạm hoãn nhưng công tác chuẩn bị Đại hội vẫn phải chuẩn bị tích cực. Có thêm thời gian chuẩn bị thì công tác nhân sự, văn kiện phải tốt hơn, bảo đảm cho sự thắng lợi của Đại hội.
Với tinh thần ấy, trong cuộc chiến phòng chống dịch bệnh hiện nay, cũng như việc triển khai thực hiện gói cứu trợ 62.000 tỷ đồng, tinh thần trách nhiệm vì dân vì nước, năng lực phẩm chất của mỗi cán bộ, đảng viên càng có điều kiện để khẳng định. Mặt khác, đây là cơ hội để người dân, cán bộ, đảng viên đánh giá, lựa chọn những người thật sự xứng đáng để bầu vào cấp ủy nhiệm kỳ tới. Đó cũng chính là ngọn lửa thử vàng với đội ngũ cán bộ đang ngày đêm cống hiến, rèn luyện ở cơ sở xã, phường!