Luật 1 ở thượng đỉnh G7: Nhìn sắc mặt Tổng thống Trump để bàn thảo

Tú Anh (Theo NYT)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Rút kinh nghiệm từ Hội nghị G7 "bão táp" năm ngoái, các lãnh đạo thế giới năm nay thận trọng hơn trước một Tổng thống Donald Trump nổi tiếng "thất thường".

Tại hội nghị thượng đỉnh các nền kinh tế hàng đầu thế giới (G7) năm nay tại Pháp, các nhà lãnh đạo dường như đã thận trọng, quyết tâm không đánh thức tính khí “nổi tiếng” của ông chủ Nhà Trắng.

Họ tìm cách nhích từng bước một, đưa ông Trump đến gần những vấn đề đang cấp bách, hoặc mặt khác có thể nêu ra những quan điểm khác biệt nhưng vẫn với tông giọng nhẹ nhàng như một chiếc bánh crepe Pháp ngọt ngào.

Trải qua kinh nghiệm “kinh hoàng” như hội nghị G7 tại Canada năm ngoái, các nhà lãnh đạo đã kết luận rằng đối đầu trực tiếp có thể gây phản tác dụng, thay vào đó, họ chọn cách nhẹ nhàng hơn để bày tỏ những bất đồng với Mỹ trong sự kiện năm nay.

 Hội nghị thượng đỉnh các nền kinh tế phát triển (G7) năm nay diễn ra tại Pháp.

Ngay cả “nhân vật yêu thích” của ông Trump như Boris Johnson, Thủ tướng dân túy của Vương quốc Anh, cũng phải thận trọng. Hôm 25/8, ông Johnson bày tỏ quan điểm về cuộc chiến thương mại của ông Trump với Trung Quốc. Ở lần gặp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo kể từ lễ nhậm chức của ông Johnson 1 tháng trước, ông Trump khẳng định chẳng có nhà lãnh đạo nào ở Hội nghị năm nay lo ngại về cuộc chiến thương mại của ông.

Ông Johnson đáp lại với tông giọng “tôn kính” thể hiện sự bất đồng quan điểm “yếu ớt”: “Chúng tôi mong muốn hòa bình thương mại trên hết, và góp phần giảm nhiệt căng thẳng nếu có thể”, vị tân Thủ tướng Anh nói.

Về phần mình, ông Trump chủ yếu tỏ thái độ ngoại giao, kiềm chế để bỏ qua những lời phàn nàn về việc chi tiêu quân sự, chính sách kinh tế hay thậm chí là rượu vang Pháp. Ông cũng không đề cập đến chỉ trích của các trợ lý về việc Pháp tập trung hội nghị năm nay vào các vấn đề không mấy thiện cảm với Mỹ như biến đổi khí hậu và phát triển châu Phi, thay vì thúc đẩy kinh tế toàn cầu.

 

Khó có thể biết đằng sau ống kính camera thì những đối thoại ở G7 năm nay khó khăn cỡ nào, nhưng nhìn chung các bên đều quyết tâm tránh kích hoạt một “quả bom” tương tự Hội nghị G7 năm ngoái ở Canada, khi ông Trump từ chối ký vào tuyên bố chung và đả kích lãnh đạo chủ nhà, Thủ tướng Justin Trudeau.

“Cho đến nay, đây là Hội nghị G7 tuyệt vời và tôi muốn chúc mừng nước Pháp cũng như tổng thống của các bạn vì đã thực sự làm tốt”, Tổng thống Mỹ nói trong bữa tối ngày 24/8.

Về phần mình, ông Trump lôi vấn đề tái thu nạp Nga vào nhóm với một cuộc thảo luận “sôi nổi”, 5 năm sau khi Moscow bị trục xuất khỏi G8 vì sáp nhập Crimea. Các nhà lãnh đạo khác đã từ chối đề nghị này, trừ phi Nga đảo ngược sự can thiệp vào Ukraine.

Là chủ nhà của Hội nghị G7 năm tới tại Mỹ, ông Trump về mặt lý thuyết có thể mời Nga tham dự với tư cách quan sát viên, nhưng ông cũng chưa ra quyết định cuối cùng về việc đó.

Cuộc thảo luận tối 24/8 cũng tập trung vào Iran, một vấn đề mà ông Trump đã phá vỡ cam kết với các đồng minh của Mỹ khi rút nước này khỏi thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1 năm 2015. Ông Macron với tham vọng tận dụng Hội nghị lần này để làm trung gian hòa giải đã đề cập tới vấn đề Iran trong bữa tối, khẳng định các nhà lãnh đạo đã nhất trí Tehran không nên có vũ khí hạt nhân hoặc gây bất ổn cho khu vực.

Nhưng khi ông Trump được hỏi về điều đó vào hôm 25/8, Tổng thống Mỹ trông có vẻ trống rỗng, như thể chưa từng có cuộc thảo luận nào như vậy. “Không, tôi chưa từng thảo luận về điều đó”, ông Trump nói. Vài giờ sau, Ngoại trưởng Iran bất ngờ tới Biarritz , theo lời mời của ông Macron, trong khi các quan chức Mỹ không hề lên tiếng.

Sự rón rén của các nhà lãnh đạo trong đối thoại với Tổng thống Mỹ cũng thể hiện ở một vài cuộc gặp khác. Khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bày tỏ lo ngại trước việc Triều Tiên gần đây thử nghiệm một loạt tên lửa tầm ngắn, ông Trump đã gạt bỏ mối quan ngại,  khẳng định Triều Tiên “không vi phạm thỏa thuận”. Ý ông Trump là ông Kim Jong-un đã không vi phạm cam kết không thử tên lửa đạn đạo tầm xa hoặc chất nổ hạt nhân, theo tuyên bố của hai nhà lãnh đạo trong cuộc gặp thượng đinh Mỹ-Triều cách đây một năm tại Singapore.

Dù ông Trump có thể không quan tâm đến các tên lửa tầm ngắn từ Triều Tiên nhưng ông Abe lại khác, vì số tên lửa này có khả năng vươn tầm đến Nhật Bản. Do đó, ông Abe tiếp tục lên án các đợt thử tên lửa gần đây của Bình Nhưỡng, cho rằng chúng rõ ràng vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, những hành động “rất đáng tiếc”.

Tuy nhiên, khi hai nhà lãnh đạo đi đến nhất trí nguyên tắc cho một hiệp ước thương mại mới, ông Abe vẫn tìm cách ngăn chặn sự rạn nứt với ông Trump.

“Tôi muốn chắc chắn rằng chúng tôi -  bản thân tôi và Tổng thống Trump - sẽ luôn ở cùng một phía khi nói về vấn đề Triều Tiên”,  ông Abe nói.

“Chốt lại thì chúng tôi vẫn luôn ở cùng một phía”, ông Trump đồng ý.

Trong cuộc gặp gỡ lần đầu khi nhậm chức với ông Trump, Thủ tướng Anh Johnson chứng minh rằng ông đã học được gì đó từ người tiền nhiệm trong quan hệ cá nhân với vị Tổng thống Mỹ. Ngay cả khi bày tỏ quan điểm về các cuộc chiến thương mại, ông Johnson vẫn cẩn thận dành những lời có cánh cho ông Trump trước.

“Tôi chỉ muốn chúc mừng tổng thống về tất cả mọi thứ mà nền kinh tế Mỹ đang đạt được. Thật tuyệt khi thấy điều đó”, ông Johnson nói.

Sau đó, ông Johnson bắt đầu quảng bá về kinh nghiệm trong thương mại của Vương quốc Anh “Anh đã phát triển mạnh mẽ trong 200 năm qua do tôn trọng thương mại tự do và đó là những gì chúng tôi muốn thấy”, ông Johnson nói. “Dù sao thì chúng tôi cũng không thích các đòn thuế quan”.

Ông Trump đã sải bước, nhưng không thể kiềm chế việc ném lại một cú đòn hiểm.

“Phát triển như 3 năm qua sao?”, Tổng thống Mỹ thách thức ông Johnson với một nụ cười khi đề cập đến nền kinh tế “thiếu máu” của Anh kể từ khi Brexit nổ ra. “Nếu loại trừ 3 năm vừa qua thì tôi đồng ý với con số 200 đấy”, ông Trump nói.

Ông Johnson cười trừ, kết thúc đoạn hội thoại ở đó. Bất kỳ sự bất đồng nào có lẽ phải đợi cho đến khi báo giới và các máy camera rời khỏi căn phòng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần