Luật chậm tiến độ, có trách nhiệm người đứng đầu

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 19/3, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long là thành viên Chính phủ đầu tiên trả lời chất vấn theo hình thức "hỏi gọn, đáp nhanh". Nhiều vấn đề quanh việc chương trình xây dựng pháp luật hay thay đổi đã được đưa ra.

Luật “đưa vào, rút ra" nhiều

Đặt vấn đề về việc có nhiều dự án luật chậm so với yêu cầu, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng: Một số dự án luật từ khi trình cho tới khi họp chỉ hai ngày và là hai ngày cuối tuần, khiến cơ quan thẩm tra gặp khó khăn. Bên cạnh đó, chất lượng nhiều dự án luật có vấn đề, nhiều báo cáo không ký, không đóng dấu, đánh giá tác động chỉ có nửa trang không có số liệu chứng minh. Chủ nhiệm Lê Thị Nga đề nghị cần có giải pháp chấn chỉnh tình trạng này và đặt câu hỏi về việc xử lý trách nhiệm cá nhân, tổ chức.

Thừa nhận có trách nhiệm người đứng đầu bộ, ngành trong việc trình dự án luật chậm tiến độ, chưa đủ quy trình, thủ tục, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nhìn nhận: "Xét về nhiệm vụ chính trị, các bộ trưởng, trưởng ngành không thực thi đúng chức trách của mình trong công tác xây dựng pháp luật, cũng là một căn cứ để ĐB Quốc hội đánh giá tín nhiệm". Đồng thời chỉ ra, trong các cuộc họp, Thủ tướng cũng đặt yêu cầu cao với việc này, luôn nhắc nhở người đứng đầu các bộ, ngành; công khai công việc, tiến độ, nêu tên những địa chỉ thực hiện chưa tốt.
 Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trả lời tại phiên chất vấn. Ảnh: TTXVN
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Trương Minh Hoàng cũng đề cập đến trách nhiệm trước việc nhiều luật được đưa vào, rút ra liên tục và việc này thường xuyên lặp lại. Bộ trưởng Lê Thành Long thừa nhận, dù có giảm đi, nhưng đến nay vẫn chưa khắc phục được tình trạng xin lùi, xin rút, xin điều chỉnh, bổ sung các dự án luật hàng năm. Lý do là khi lên dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, các cơ quan chưa lường hết được diễn biến. Ví dụ, riêng luật Quy hoạch được ban hành đã kéo theo 11 dự án luật phải sửa ngay trong tổng số 25 dự án luật mà Quốc hội yêu cầu.

Để khắc phục tình trạng này, Bộ trưởng Lê Thành Long hứa sẽ cố gắng thể hiện rõ quan điểm dự luật đã đủ điều kiện trình hay chưa, đề nghị siết chặt kỷ cương hành chính để nhắc nhở các bộ chậm trễ trong việc này.

Tài sản không giải trình được phải đưa ra tố tụng

Liên quan đến vấn đề xử lý tài sản tham nhũng trong Dự án Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi), trong đó có đề xuất đối với tài sản không chứng minh được nguồn gốc thì truy thu thuế thu nhập cá nhân với thuế suất 45%, các ĐB hỏi về quan điểm của Bộ Tư pháp. Khẳng định đây là Dự Luật khó, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết: “Với tư cách là thành viên Chính phủ, tôi tuân thủ quyết định của Chính phủ, còn về quan điểm của Bộ Tư pháp, chúng tôi cũng có ý kiến bổ sung. Đối với các tài sản không chứng minh được nguồn gốc, phải thực hiện các thủ tục tố tụng dân sự, đó là phải đưa ra tòa để chứng minh, xử lý giống như các vụ về chiếm hữu tài sản một cách không có căn cứ”.

Một vấn đề cụ thể khác cũng được Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Ngô Thị Minh và một số ĐB nêu ra là chính sách đối với đội ngũ giáo viên, cụ thể là chế độ lương. “Tại sao Bộ GD&ĐT đề nghị đưa vào Luật Giáo dục, rồi Bộ Tư pháp lại đưa ra” - ĐB Ngô Thị Minh chất vấn.

Chia sẻ nhận định về sự cần thiết giải quyết vấn đề này, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết: “Chúng tôi hoàn toàn thống nhất quy định giáo viên được hưởng thang bảng lương cao nhất. Lý do Bộ GD&ĐT đưa ra rất thuyết phục. Tuy nhiên, Chính phủ đang chuẩn bị đề án tổng thể cải cách tiền lương, gom lại tất cả các quy định về lương hiện đang nằm rải rác ở rất nhiều văn bản khác nhau, thiếu tính thống nhất. Thế nhưng đợi quy định chung thì cũng sợ chậm, Bộ Tư pháp sẽ nghiên cứu, đề xuất giải pháp xử lý tức thời như một ngoại lệ với giáo viên”.

Trong phiên chất vấn, nhiều vấn đề liên quan đến xử lý việc chồng chéo giữa các luật, một số luật chuyên ngành vẫn “lọt” quy định về tổ chức, bộ máy, biên chế; nguyên nhân, giải pháp khắc phục tình trạng “nợ”… cũng được đặt ra.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần