Luật chồng chéo gây khó cho PPP

Sông Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mô hình đầu tư theo hình thức hợp tác công tư (PPP) được xem là công cụ tháo gỡ khó khăn về ngân sách và mang đến giải pháp hạn chế rủi ro trong quá trình thực hiện các dự án. Tuy nhiên, PPP vẫn chưa hấp dẫn nhà đầu tư vì nhiều nguyên nhân, chủ yếu là do luật chồng chéo.

 Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh phát biểu tại hội nghị.

Ngày 14/6, UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức “Hội nghị tổng kết tình hình triển khai thu hút vốn đâu tư phát triển hạ tầng theo hình thức đối tác công tư PPP và định hướng cho đến giai đoạn 2017 – 2020”. TP Hồ Chí Minh hiện có 23 dự án đầu tư theo hình thức PPP đã kỳ kết hợp đồng dự án và triển khai thực hiện với tổng mức đầu tư khoảng 71.172 tỷ đồng, chủ yếu thuộc lĩnh vực giao thông và môi trường. Trong đó, các dự án ký kết hợp đồng gồm có hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao (BT), hợp đồng Xây dựng – Vận hành – Chuyển giao (BOT) và hợp đồng Xây dựng – Sở hữu (BOO).

Bên cạnh đó, TP có thêm 130 dự án đang thực hiện thủ tục chuẩn bị đầu tư để triển khai theo hình thức PPP với tổng mức đầu tư dự kiến trên 380.90 tỷ đồng. Các dự án thuộc các lĩnh vực giao thông, chỉnh trang đô thị, y tế giáo dục, văn hóa thể thao, thương mại dịch vụ. TP cũng đang kêu gọi đầu tư 116 dự án theo hình thức PPP với tổng mức đầu tư, dự kiến trên 136.740 tỷ đồng.

Mô hình PPP khi được sử dụng một cách hiệu quả sẽ mang lại rất nhiều lợi ích trong việc quản lý, khai thác công trình, cung cấp dịch vụ công chất lượng cao và thông qua việc huy động sự tham gia của khu vực vốn tư nhân như đối tác với Nhà nước; đồng thời vẫn bảo đảm các lợi ích an sinh xã hội. Lợi ích này xuất phát từ sự phân bổ rủi ro giữa khu vực công và khu vực tư theo cách thức bên nào có khả năng quản lý rủi ro tốt hơn thì sẽ được giao quản lý rủi ro đó.

Nhưng thực tế triển khai dự án đầu tư theo hình thức PPP cũng phát sinh nhiều khó khăn về áp dụng quy định pháp luật liên quan, quỹ thanh toán của các dự án BT không đủ để đáp ứng, vướng mắc đền bù giải phóng mặt bằng, phương án tài chính của dự án, bất cập về quy định khung lợi nhuận cho nhà đầu tư và biên độ lãi suất chênh lệch cao cũng khiến nhà đầu tư khó tiếp cận các dự án...

Theo bà Vũ Quỳnh Lê (Cục quản lý đấu thầu – Bộ Kế hoạch Đầu tư), thực tế việc triển khai các dự án PPP vẫn chậm hơn so với tiến độ đề ra. Có nhiều rào cản, vướng mắc trong triển khai dự án như: Hành lang pháp lý về hình thức đầu tư PPP hiện đang thực hiện Nghị định 15/2015/NĐ-CP, nhưng khi thực hiện dự án, vận hành và khai thác thì lại phụ thuộc vào hệ thống quy định tại các luật như: Luật Doanh nghiệp, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công, Luật Đất đai… và các Thông tư hướng dẫn của bộ ngành liên quan.

Trong khi đó, những văn bản này chủ yếu được xây dựng để điều chỉnh hoạt động đầu tư dự án công. Hơn nữa, do hình thức đầu tư PPP hiện chỉ đượ điều chỉnh ở mức Nghị định nên các nhà đầu tư lo ngại về tính ổn định của chính sách. Một dự án đầu tư PPP có thời gian khá dài, trong khi Nghị định đã điều chỉnh nhiều lần chỉ trong vài năm. Việc chuyển tiếp từ Nghị định này sang nghị định khác cũng khiến các nhà đầu tư, các sở ngành quản lý có phần lúng túng.    

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh – Nguyễn Thành Phong cho biết: “TP mới đáp ứng được khoảng 20% tổng thể nhu cầu về vốn đầu tư PPP. Đối với các dự án PPP liên quan đến hạ tầng, giao thông, môi trường và ngập nước thì ngân sách chỉ mới giải quyết được 31,8%”. Cho nên TP rất quan tâm đến việc mở rộng phát triển các dự án PPP. Đề nghị Sở Kế hoạch Đầu tư tham mưu cho TP tiêu chí của từng dự án PPP để từ đó làm hài hòa lợi ích công và tư. Ngoài ra, để tăng cường tính công khai minh bạch trong thời gian tới, Sở Kế hoạch Đầu tư phải mở một trang Website công bố thông tin về đầu tư dự án, kêu gọi PPP được thuận lợi dễ dàng hơn”.