Luật Chuyển giao công nghệ vừa được thông qua có gì mới?

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với Luật mới, quyền và lợi ích của tổ chức, cá nhân trong hoạt động chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo sẽ được tạo điều kiện thuận lợi tối đa nhằm phát triển nhanh và bền vững.

Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XIV đang diễn ra, với hơn 93% số đại biểu có mặt tán thành, Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi - CGCN) đã chính thức được thông qua. Luật đã cụ thể hóa hoạt động chuyển giao công nghệ, trong đó tập trung đẩy mạnh chuyển giao công nghệ tiên tiến, công nghệ cao từ nước ngoài vào Việt Nam; khuyến khích chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài cũng như thúc đẩy chuyển giao công nghệ trong nước.

Lần đầu tiên được Quốc hội thông qua vào năm 2006 trong bối cảnh Việt Nam đang chuẩn bị gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (2007), Luật CGCN đã góp phần quan trọng vào sự thay đổi của Việt Nam. Trong 10 năm triển khai thực hiện, Luật đã thúc đẩy hoạt động đổi mới và chuyển giao công nghệ trong nước, ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) trong sản xuất và đời sống, từng bước giúp cải thiện năng lực công nghệ của doanh nghiệp và nền kinh tế.
Ảnh minh họa. Nguồn internet.

Tuy nhiên, trước sự thay đổi của đất nước, khu vực và thế giới, Luật CGCN đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập; có nội dung thậm chí đã lạc hậu, chưa theo kịp được với xu thế cải cách, đổi mới trong phát triển kinh tế, KH&CN. Xuất phát từ thực tế này Luật CGCN cần phải sửa đổi, bổ sung để tạo môi trường pháp lý thuận lợi và phù hợp thúc đẩy hoạt động đổi mới, ứng dụng và chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển đất nước nhanh và bền vững trong bối cảnh mới.

Một trong những điểm mới đáng chú ý của Luật CGCN là về phát triển thị trường KH&CN. Hàng loạt biện pháp được đưa ra theo hướng tạo cơ chế phát triển nguồn cung, thúc đẩy nguồn cầu và phát triển các tổ chức trung gian của thị trường KH&CN. Trong đó, các tổ chức trung gian được quan tâm, hỗ trợ để thực hiện vai trò kết nối giữa bên cung và bên cầu công nghệ như: Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về thông tin công nghệ; Đào tạo nguồn nhân lực cho tổ chức trung gian; Nâng cao năng lực khai thác thông tin về công nghệ, sở hữu trí tuệ, kết quả nghiên cứu khoa học...

Đối với việc thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, Luật đưa ra một số giải pháp nhằm giải quyết những vướng mắc từ thực tiễn việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Có thể kể đến như: Giao quyền đối với kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; phân chia lợi nhuận thu được từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; công bố kết quả hoạt động KH&CN phục vụ nhu cầu đổi mới sáng tạo của tổ chức, cá nhân; hỗ trợ hoạt động liên kết giữa tổ chức KH&CN sở hữu kết quả hoạt động KH&CN với tổ chức ứng dụng...

Hoạt động ứng dụng, đổi mới công nghệ của doanh nghiệp cũng được Luật khuyến khích và hỗ trợ. Cụ thể, Luật tạo ra cơ chế hỗ trợ vốn, bảo lãnh vay vốn và hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp có hoạt động đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho giải mã công nghệ, thành lập tổ chức R&D; cơ chế liên kết giữa tổ chức KH&CN với doanh nghiệp; mở rộng nội dung chi của Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp; khuyến khích các hình thức hợp tác để triển khai các dự án đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển cơ sở hạ tầng và hoạt động nghiên cứu chung với doanh nghiệp.

Để thúc đẩy chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp, Luật đã dành 1 Điều quy định về hoạt động này, trong đó quy định phương thức, hình thức, loại hình chuyển giao công nghệ đặc thù trong nông nghiệp và giao Chính phủ quy định chi tiết hoạt động chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp.

Nhằm ngăn chặn, hạn chế công nghệ, thiết bị lạc hậu chuyển giao vào Việt Nam, Luật được bổ sung 1 Chương (Chương II với 8 Điều) quy định về công tác thẩm định công nghệ dự án đầu tư, trong đó quy định cụ thể loại dự án phải thẩm định, có ý kiến về công nghệ. Luật quy định ý kiến về công nghệ của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền là một nội dung bắt buộc trong nội dung văn bản thẩm định dự án đầu tư khi trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định chủ trương đầu tư.

Đồng thời, trong Chương này cũng có 1 Điều quy định về việc kiểm tra, giám sát công nghệ trong các dự án đầu tư, CGCN, trong đó quy định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước về KH&CN và cơ quan có liên quan trong kiểm tra, giám sát việc ứng dụng và CGCN trong dự án đầu tư cùng với việc kiểm tra, giám sát đầu tư.

Luật cũng quy định rõ việc tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước trong công tác thẩm định công nghệ dự án đầu tư, ngăn chặn, hạn chế nhập khẩu công nghệ lạc hậu vào Việt Nam cũng như ngăn ngừa hiện tượng chuyển giá trong hoạt động CGCN. Điều này thể hiện ở các quy định về thẩm định công nghệ dự án đầu tư và quản lý chuyển giao công nghệ.

Cơ chế bắt buộc đăng ký CGCN là cần thiết để các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là CGCN từ nước ngoài vào Việt Nam đã tạo nên một bộ lọc để cơ quan quản lý Nhà nước có thể kiểm soát nhằm ngăn chặn việc gian lận, chuyển giá qua hoạt động CGCN, đồng thời cơ quan quản lý Nhà nước cũng có cơ chế để rà soát công nghệ nhập khẩu, tránh trùng lặp, gây lãng phí nguồn lực của xã hội.

Theo Bộ KH&CN, Luật CGCN (sửa đổi) đã kế thừa được những nội dung tiến bộ của Luật CGCN 2006, tháo gỡ tối đa các vướng mắc trong thực tiễn nhằm tạo môi trường pháp lý thuận lợi nhất để thúc đẩy CGCN, đổi mới công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Qua đó, thúc đẩy việc ứng dụng các thành tựu KH&CN hiện đại, góp phần nâng cao năng lực công nghệ của quốc gia và doanh nghiệp, thúc đẩy chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế.