Luật Đấu giá tài sản: Bảo đảm xử lý tài sản khách quan, minh bạch

Tuấn Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2017, Luật Đấu giá tài sản với nhiều điểm mới quan trọng sẽ góp phần hạn chế tình trạng “quân xanh quân đỏ”, công khai, minh bạch hơn.

Theo Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) Đỗ Hoàng Yến, Luật Đấu giá tài sản có nhiều nội dung mới nhằm nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp của đội ngũ đấu giá viên. Luật chuẩn hóa việc đào tạo nghề đấu giá, quy trình tập sự hành nghề đấu giá nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ đấu giá viên.
 Đấu giá quyền sử dụng đất tại quận Hà Đông. Ảnh: Chính Văn.
Bên cạnh đó, Luật nâng cao tính chuyên nghiệp của tổ chức đấu giá tài sản, bảo đảm đầy đủ trách nhiệm của tổ chức đấu giá tài sản trước khách hàng, Nhà nước. Theo đó, Luật quy định DN đấu giá tài sản chỉ được thành lập dưới hình thức DN tư nhân hoặc công ty hợp danh (là loại hình DN chịu trách nhiệm vô hạn đối với các nghĩa vụ của DN); DN đấu giá tài sản thực hiện đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp và chỉ hoạt động trong lĩnh vực đấu giá tài sản.
Luật cũng quy định thống nhất về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản áp dụng đối với các loại tài sản bán đấu giá, bao gồm cả tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá và tài sản thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức có lựa chọn hình thức bán đấu giá. Một trong những điểm mới của Luật là đã tách bạch trình tự, thủ tục đấu giá tài sản và quy trình trước, sau khi tổ chức đấu giá tài sản (ví dụ như việc xác định giá khởi điểm của tài sản đấu giá, việc chuyển giao tài sản sau khi bán đấu giá thuộc trách nhiệm của người có tài sản). Qua đó, xác định rõ thẩm quyền và trách nhiệm quản lý, tổ chức thực hiện trong từng khâu của quá trình hoạt động bán đấu giá tài sản.

Cũng theo bà Đỗ Hoàng Yến, Luật có nhiều quy định nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch, khách quan của việc tổ chức đấu giá tài sản bao gồm các nội dung như việc niêm yết, thông báo công khai việc đấu giá được thực hiện rộng rãi, rõ ràng, đầy đủ thông tin; việc đăng ký tham gia đấu giá được thực hiện thuận lợi, chặt chẽ; tỷ lệ tiền đặt trước được nâng lên phù hợp, hạn chế tình trạng tham gia đấu giá để trục lợi; thủ tục mua hồ sơ, đăng ký tham gia đấu giá được công khai, liên tục; hình thức đấu giá, phương thức đấu giá được quy định rõ ràng, chặt chẽ nhằm hạn chế tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, thông đồng, móc nối để dìm giá, làm sai lệch kết quả đấu giá.

Đối với tài sản công nói riêng và các tài sản khác mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá nói chung (ví dụ như tài sản thi hành án, tài sản giao dịch bảo đảm, tài sản của DN phá sản...), Luật Đấu giá tài sản đã có những quy định chặt chẽ về trình tự, thủ tục đấu giá, đảm bảo tính công khai, minh bạch của việc tổ chức bán đấu giá tài sản.

Quy định quy trình thủ tục đấu giá tài sản theo hướng chặt chẽ, đảm bảo tính minh bạch, khách quan, hạn chế tối đa tình trạng thông đồng, dìm giá như: Quy định việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản có đủ điều kiện để tổ chức cuộc đấu giá (cơ sở vật chất, đấu giá viên, có tên trong danh sách do Bộ Tư pháp công bố...); chỉ đấu giá theo phương thức trả giá lên, phải công khai giá khởi điểm, thông báo công khai trên báo viết, báo hình và trang thông tin điện tử chuyên ngành; hạn chế thành lập Hội đồng đấu giá tài sản; trách nhiệm của người có tài sản đấu giá trong việc giám sát quá trình tổ chức thực hiện việc đấu giá.

Ngoài các trường hợp hủy kết quả đấu giá tài sản, bao gồm hủy kết quả đấu giá tài sản theo thỏa thuận, khởi kiện tại Tòa án, đối với tài sản nhà nước, Luật Đấu giá tài sản quy định kết quả đấu giá tài sản bị hủy theo quy định của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính khi có các hành vi vi phạm trình tự, thủ tục đấu giá, thông đồng, móc nối để dìm giá... qua đó góp phần bảo vệ quyền, lợi ích của các bên có liên quan, lợi ích của Nhà nước phù hợp với thực tiễn hoạt động đấu giá tài sản.q