Luật hóa quy định “xóa tư cách chức vụ” trong kỷ luật cán bộ nghỉ hưu

Vũ Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 25/11, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Trong đó, về quy định xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu, giải trình, tiếp thu chỉnh lý Dự thảo Luật trước khi các đại biểu bấm nút thông qua, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu là một chủ trương lớn, cần phải nghiên cứu thận trọng, có quy định hợp lý bảo đảm tính khả thi, hiệu quả và thống nhất trong quá trình thực hiện.
Do đó, xin được quy định trong Luật nguyên tắc chung về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu; quy định cụ thể về hình thức xử lý kỷ luật, trong đó hình thức “xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm” để bảo đảm thống nhất với hình thức kỷ luật theo quy định của Đảng.
Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức 

và Luật Viên chức. Ảnh: TTXVN

"Để thể hiện rõ hình thức kỷ luật gắn với hệ quả về vật chất, tinh thần, trong Dự thảo Luật cũng đã bổ sung nguyên tắc gắn hình thức xử lý kỷ luật với hệ quả pháp lý tương ứng để làm cơ sở cho Chính phủ quy định chi tiết, bảo đảm tính khả thi, linh hoạt trong quá trình triển khai thực hiện" – Tổng Thư ký Quốc hội cho biết.
Theo đó, Luật được thông qua quy định mọi hành vi vi phạm trong thời gian công tác của cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu đều bị xử lý theo quy định của pháp luật. Căn cứ vào tính chất, mức độ nghiêm trọng, người có hành vi vi phạm có thể bị xử lý hình sự, hành chính hoặc xử lý kỷ luật.
Cán bộ, công chức sau khi nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm gắn với hệ quả pháp lý tương ứng với hình thức xử lý kỷ luật.
Việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu có hành vi vi phạm trong thời gian công tác trước ngày 1/7/2020 được thực hiện theo quy định của Luật này. Chính phủ quy định chi tiết khoản này.
Về chính sách đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ, Luật được thông qua quy định, Nhà nước có chính sách phát hiện, thu hút, trọng dụng và đãi ngộ xứng đáng đối với người có tài năng; Chính phủ quy định khung chính sách trọng dụng và đãi ngộ đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ.
HĐND cấp tỉnh quy định chính sách trọng dụng và đãi ngộ đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do tỉnh quản lý... Về phương thức tuyển dụng công chức, Luật nêu rõ: Việc tuyển dụng công chức được thực hiện thông qua thi tuyển hoặc xét tuyển…
Cùng ngày, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công vụ hỗ trợ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, trong đó bổ sung các trường hợp được chuyển đổi mục đích của thị thực; được miễn thị thực “vào khu kinh tế ven biển theo quyết định của Chính phủ”.

Ngày 25/11, Quốc hội đã tiến hành quy trình bầu Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Với đa số ĐB bỏ phiếu tán thành, Quốc hội đã bầu ông Hoàng Thanh Tùng (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội) giữ chức Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XIV. Cùng ngày, Quốc hội thông qua Nghị quyết bầu các chức danh này.

Ông Hoàng Thanh Tùng sinh năm 1966; quê quán huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An; Đại biểu Quốc hội khoá XIII, XIV.