Luật hóa quy định xử lý kỷ luật người đã nghỉ hưu: Cân nhắc hệ quả pháp lý

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quy định về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức là một nội dung nhận được nhiều sự quan tâm, tán thành của đại biểu Quốc hội và cả dư luận. Tuy nhiên, việc quy định như thế nào cho hợp lý vẫn là một vấn đề băn khoăn.

Vấn đề khó nhưng cần thiết
Khi tiếp thu, giải trình Dự thảo Luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành bổ sung quy định về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu nhưng đề nghị quy định rõ trong luật những hệ quả pháp lý nhất định về vật chất, tinh thần mà người bị kỷ luật phải chịu. Một số ý kiến đề nghị tách quy định này thành một điều riêng.
Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận định, đây là một chủ trương lớn, cần phải nghiên cứu thận trọng, có quy định hợp lý bảo đảm tính khả thi và thống nhất trong quá trình thực hiện. Do đó, Dự thảo Luật chỉ quy định một số nguyên tắc chung và giao Chính phủ quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, hệ quả của hình thức xử lý kỷ luật.
 Ảnh minh họa.
Theo đó, Điều 84a của Dự thảo được thiết kế với quy định, mọi hành vi vi phạm trong thời gian công tác của cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu đều bị xử lý theo quy định của pháp luật. Căn cứ vào tính chất, mức độ nghiêm trọng, người có hành vi vi phạm có thể bị xử lý hình sự, hành chính hoặc xử lý kỷ luật.
Cán bộ, công chức sau khi nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm tại thời điểm có hành vi vi phạm và gắn hệ quả pháp lý tương ứng với hình thức xử lý kỷ luật.
Băn khoăn về hệ quả pháp lý
Trước đó, khi Dự Luật này được đưa ra lần đầu tại Quốc hội, nhiều đại biểu cũng cho rằng, trước thực tiễn thời gian qua nhiều trường hợp nghỉ việc, nghỉ hưu mới phát hiện sai phạm nhưng tổ chức gặp khó trong xử lý kỷ luật do luật hiện hành chưa quy định cụ thể. Việc luật hóa quy định này là cần thiết để răn đe cán bộ, công chức, sao cho khi làm việc phải đề cao trách nhiệm cá nhân, không dám sai phạm.
Tuy nhiên, nếu luật hóa quy định này, việc giải quyết hệ quả pháp lý với các vấn đề liên quan thế nào cũng là một nội dung gây băn khoăn. Theo đại biểu Hoàng Văn Hùng (đoàn Thái Nguyên): Thời gian qua, khi các Bộ trưởng vi phạm thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội có Nghị quyết không công nhận tư cách Bộ trưởng; còn ở địa phương thì hạ lương, hạ ngạch, khiển trách, cảnh cáo. “Nhưng về hưu rồi thì ai ra quyết định cảnh cáo, ai ra quyết định khiển trách? Rõ ràng, cơ sở pháp lý không ổn, cần phải cân nhắc, phân tích rõ. Phải xem xét kỹ lưỡng, chặt chẽ nếu không sẽ không có tác dụng răn đe”- đại biểu nêu.
Cùng với đó, yếu tố pháp lý của những văn bản mà cán bộ bị kỷ luật đã ký trong thời gian đương chức cũng là vấn đề đặt ra. Liệu khi cán bộ bị kỷ luật, những văn bản pháp lý họ đã ký khi còn đương chức có còn hiệu lực. Bởi chức năng quản lý và chức danh của một người gắn với tất cả hành vi pháp lý mà người đó thực hiện trong suốt quá trình thực hiện chức trách của mình theo quy định của pháp luật.
Do vậy, xử lý như thế nào nội dung Dự Luật đề ra liên quan đến việc kỷ luật cán bộ về hưu có vi phạm là “một việc rất khó”. Có ý kiến cho rằng, không nên đặt vấn đề xử lý với những quy định pháp lý mà cá nhân vi phạm thực hiện trong giai đoạn họ còn đương chức.
Dù đưa nội dung này vào Dự Luật là cần thiết, song như một số ý kiến cho rằng, có nên thiết kế luật theo hướng chỉ quy định nguyên tắc để tạo cơ sở cho Chính phủ quy định hình thức, quy trình xử lý để tạo sự linh hoạt trong tổ chức thực hiện hay quy định chi tiết vẫn là một nội dung cần sự phân tích kỹ càng, tránh tình trạng luật ra đời, không thể thực hiện được, sẽ không có tác dụng răn đe.