Luật Hồi tỵ trong vấn đề thi cử dưới triều Nguyễn

Anh Tuấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Được quy định lần đầu tiên trong bộ luật Hồng Đức thời vua Lê Thánh Tông. Đến triều Nguyễn, đặc biệt dưới thời vua Minh Mạng, luật Hồi tỵ còn triệt để hơn, được mở rộng phạm vi, đối tượng áp dụng và bổ sung những quy định mới, cụ thể, chặt chẽ hơn. Đặc biệt trong vấn đề thi cử.

Có con rể đi thi buộc phải Hồi tỵ
“Hồi tỵ” nguyên nghĩa tiếng Hán là “tránh đi” hoặc “lánh đi”; nghĩa là khi làm quan, không được tham dự, hoặc lánh mặt đối với những người là chỗ thân thuộc của mình để tránh tiếng hiềm nghi. Trong việc thi cử, nhà Nguyễn đã ban hành luật Hồi tỵ nhằm ràng buộc các quan cao nhất cho đến viên chức nhỏ trong trường thi.
Một cảnh chấm thi thời phong kiến.
Theo chỉ dụ của vua Minh Mạng từ năm thứ 15 và 16 (1834 - 1835) quy định: “Những người được dự phái đến làm việc ở trường thi, nếu có anh em thúc bá ruột hay chỗ cậu, cháu dự thi thì cho phép được hồi tỵ - tức bản thân họ phải đệ trình xin thôi chức tại trường thi hoặc xin chuyển đến trường thi khác”.
Như trường hợp Tổng đốc Hà Ninh (Hà Nội và Ninh Bình) Đặng Văn Thiêm tâu nói: “Bố chính Hà Nội là Trần Văn Trung là chỗ họ ngoại, vốn có tình nghĩa với nhau. Vậy xin hồi tỵ”, vua Minh Mạng dụ rằng: “Đặng Văn Thiêm là đại thần của nước ta giao cho trọng trách một địa phương, Trần Văn Trung cũng nhiều lần được lựa dùng, cất nhắc đến quan hàm như vậy. Các ngươi đều nên một niềm giữ lấy công bằng trung trực, không thẹn với lương tâm, chứ không cần tị hiềm là chỗ bà con, cố cựu”.
Về trường hợp con rể đi thi thì không có luật Hồi tỵ, nhưng đến năm Tân Sửu (1877), tức năm Tự Đức thứ 30, Viên Ngoại lang Bộ binh là Trần Thọ được cử làm Đồng khảo tại kỳ thi Hội. Năm đó 2 con rể của ông là cử nhân Trần Văn Thức và Đào Viết Liêm đi thi Hội, ông xin Hồi tỵ và từ đó vua ban: Có con rể đi thi phải Hồi tỵ.
Sửa bài thi bị xử tử hình
Việc phạm trường quy của các quan tùy thuộc tội nặng nhẹ mà phán xét, nhẹ thì trừ lương bổng, nặng thì giáng chức, cách chức… Diễn biến tại trường thi đều được giám sát dâng sớ tường trình thẳng với triều đình. Mặt khác, quan Chánh chủ khảo cũng phải trình sớ tâu nói về kỳ thi đó. Mọi việc đều được triều đình cứu xét kỹ càng.
Như năm Đinh Dậu (1837), Minh Mạng thứ 18, Vũ Đức Khuê và Lâm Duy Nghĩa chấm thi ở trường thi bị hạch tội, đưa về Bộ Lại xét xử tội lơ là trong việc chấm thi. Năm 1841 dưới thời vua Thiệu Trị, Cao Bá Quát được cử làm Sơ khảo trường thi Thừa Thiên. Trong khi chấm bài thi thấy một số bài văn hay nhưng phạm húy, không muốn vì lỗi nhỏ mà đánh trượt người có tài, Cao Bá Quát cùng Phan Nhạ dùng muội đèn (thay mực) làm mực chữa 24 quyển thi, sau 5 người trong đó được đỗ.
Trong 24 người này có 5 thí sinh đỗ cử nhân, gồm: Hoàng Kim Minh, Lê Thiều, Nguyễn Duy Cần, Nguyễn Khánh, Phan Văn Trị. Thí sinh Trương Đăng Trinh (cháu ruột của Đại thần Trương Đăng Quế) có quyển văn thứ 2 bị nội trường đánh hỏng, phần khảo là Nguyễn Văn Siêu đánh giá bài thi tốt đã nói với quan Ngoại trường Cao Bá Quát cho liệt Trinh vào hạng đỗ. Cao Bá Quát đồng ý.
Rồi sự việc bị phát giác, quan Giám sát Hồ Trọng Tuấn dâng sớ hạch tội. Án được dâng lên vua, Cao Bá Quát và Phan Thời Nhạ bị tội tử hình. Nguyễn Văn Siêu bị tội phạt trượng (đánh bằng gậy) và tội đồ (đi đày). Chủ khảo Bùi Quỹ và giám khảo Phan Văn Nhã, Trương Hảo Hợp bị giáng chức...
Chân dung Cao Bá Quát (1809 - 1855).
Theo sách Đại Nam thực lục, nhà vua phán rằng: “Chọn người tài giỏi là một điển lễ long trọng, bọn Quát dám làm trái phép như thế, khép vào tội nặng cũng đáng. Song ta nghĩ do sự khờ dại mà làm ra, chứ không có tình tiết gì khác, còn có thể khoan tha cho tội xử tử. Siêu cho Quát ngủ ở phòng của mình, tuy không có tình tiết gì, nhưng phép trường không thể hỗn tạp như thế được. Đáng lẽ ra cứ theo như luật mà trị tội, nhưng ta tạm gia ơn tha cho tội đồ mà chỉ cách chức, cho gắng sức làm việc để chuộc tội.”
Vua ban lệnh cho Thị lang Bộ Hình Ngô Văn Địch, Chưởng ấn Cấp sự trung là Lê Chân cho gọi 5 người được chấm đỗ cho thi lại. Nếu đúng văn khá, đáng được đỗ sẽ phong hạng cử nhân. Trong những người này, duy nhất cử nhân thứ 20 là Phan Văn Trị vì bài phú trùng vần, bị đánh hỏng.
Châu bản triều Nguyễn viết rằng, sau đó Cao Bá Quát được giảm án từ “trảm quyết” (chém chết ngay) thành án “giảo giam hậu” (giam lại, đợi thắt cổ đến chết sau). Nguyễn Văn Siêu truyền miễn đánh gậy, giao cho Bộ Lại hiệu lực chuộc tội....
Cuối cùng, án Cao Bá Quát được đổi sang tống ngục. Năm 1843, ông được cho đi “dương trình hiệu lực” nghĩa là được phép lập công chuộc tội, theo đoàn Đào Trí Phú đến Indonesia. Sau đó vài năm, ông vào Viện Hàn lâm, lo việc sưu tầm và xếp đặt văn thư.
Trường thi Nam Định năm 1897.
Rõ ràng, Luật Hồi tỵ có tác động tích cực rất to lớn, đặc biệt trong vấn đề thi cử giúp nhà Nguyễn ngăn chặn được các trường hợp những người có quan hệ họ hàng, thông gia tác động vào việc giám sát, chấm thi, khắc phục tình trạng vì tình cảm mà nể nang, né tránh, bao che lẫn nhau dẫn đến sự hình thành “lợi ích nhóm” của một số quan lại nhằm tác động tiêu cực vào kỳ thi. Hồi tỵ đã ngăn chặn được tư tưởng cục bộ (cục bộ dòng họ, cục bộ địa phương) của các địa phương.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần