Luật phòng, chống mua bán người: Chậm có văn bản hướng dẫn

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 23/8, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã tổ chức phiên giải trình về tình hình thực hiện pháp luật về phòng chống mua bán người giai đoạn 2012 - 2017. Trong đó, những hạn chế trong thực hiện Luật Phòng, chống mua bán người đã được chỉ rõ.

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương báo cáo tại phiên giải trình sáng 23/8. Ảnh: Ngọc Thắng
Phương thức ngày càng tinh vi
Theo dự thảo Báo cáo về một số vấn đề thực hiện pháp luật về phòng, chống mua bán người giai đoạn 2012 - 2017 của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, tội phạm mua bán người xảy ra và có dấu hiệu xảy ra ở cả 63 tỉnh, thành, chủ yếu là mua bán người ra nước ngoài, chiếm trên 85% số vụ mua bán người, tập trung chủ yếu qua các tuyến biên giới trên đất liền giữa Việt Nam với Trung Quốc, Campuchia, Lào. Số nạn nhân bị mua bán và nghi vấn bị mua bán là 3.090 người. Số nạn nhân đã trở về là 2.571 người. Số nạn nhân chưa trở về là 519 người. 90% số nạn nhân bị mua bán là phụ nữ, trẻ em...

Cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố 1.021 vụ với 2.035 bị can, chiếm 97,3% số tin báo, tố giác đã tiếp nhận, xử lý. Ngành tòa án cũng khẳng định, việc xét xử các vụ án liên quan đến tội phạm mua bán người đảm bảo kịp thời, nghiêm minh.

Tại phiên giải trình, các ý kiến đều cho rằng, phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người ngày càng tinh vi, xảo quyệt, có tổ chức, có sự câu kết chặt chẽ giữa người mua và người bán, hình thành các đường dây tội phạm liên tỉnh và xuyên quốc gia. Theo đánh giá của Ủy ban Tư pháp, thay vì trực tiếp thì hiện nay xu hướng ngày càng nhiều đối tượng phạm tội thông qua các trang mạng xã hội và điện thoại thông minh để tiếp cận và làm quen với nạn nhân. Một số nơi xuất hiện hiện tượng các đối tượng phạm tội giả danh lực lượng chức năng để lừa gạt, cưỡng ép nạn nhân; Đối tượng người Việt Nam dùng tên, hình ảnh đại diện giả trên Facebook mặc lễ phục bộ đội biên phòng làm quen, kết bạn và lừa bán nạn nhân...

6 năm vẫn chưa có hướng dẫn thi hành Luật

Một trong những nguyên nhân dẫn đến vướng mắc trong thực hiện công tác phòng, chống mua bán người là do tiến độ xây dựng và ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật Phòng, chống mua bán người còn chậm. Tại phiên giải trình, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho biết, Luật có hiệu lực đã hơn 6 năm nhưng đến nay các bộ ngành chức năng chưa tham mưu Chính phủ ban hành nghị định trên cơ sở đó ban hành thông tư hướng dẫn chi tiết thi hành luật.
Thứ trưởng Lê Quý Vương nhận định, thực trạng này có trách nhiệm của Bộ Công an khi tham mưu cho Thủ tướng phê duyệt kế hoạch triển khai thi hành luật đã không đề cập việc giao cho bộ ngành nào chủ trì xây dựng nghị định, thông tư hướng dẫn. Bản thân Bộ Công an cũng chưa ban hành được thông tư quy định chi tiết các biện pháp bảo vệ an toàn cho nạn nhân bị mua bán và thân thích của họ. Công tác điều tra, nắm tình hình quản lý đối tượng còn hạn chế, chưa đánh giá đúng thực trạng cũng như xu hướng hoạt động của tội phạm...

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng, nguồn lực cho công tác phòng chống mua bán người rất có vấn đề. Luật quy định nhiều chính sách rất nhân đạo, tạo điều kiện cho nạn nhân bị mua bán trở về sớm tái hòa nhập cộng đồng, nhưng trên thực tế một số địa phương chưa thực sự quan tâm, tạo điều kiện cho họ được hưởng các chế độ theo quy định của luật.

Để nâng cao hiệu quả phòng, chống mua bán người, các ý kiến đề nghị, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về vấn đề này. Trong đó, chú trọng nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung những quy định về hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng. Tăng cường quản lý chặt chẽ hoạt động đưa người đi làm việc ở nước ngoài, tránh việc lợi dụng hoạt động này để mua bán người...

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần