Luật Phòng, chống tham nhũng cần được tiếp cận theo hướng công nghệ 4.0

Thủy Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Nếu chúng ta vẫn dùng tư duy của những năm 2000, mà chưa xây dựng Luật Phòng, chống tham nhũng theo hướng tiếp cận công nghệ 4.0 thì Luật sẽ nhanh chóng bị lạc hậu”, TS Vũ Văn Tính thẳng thắn chỉ ra trong hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng do Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội tổ chức ngày 11/9.

 Toàn cảnh hội nghị
Ngày 11/9, đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Bùi Huyền Mai chủ trì hội nghị.
Tại hội nghị, đã có 7 ý kiến đóng góp vào Dự thảo Luật. Trong đó, các đại biểu đều khẳng định tính cấp thiết của việc sửa đổi Luật trong tình hình hiện nay. Bên cạnh đó, các đại biểu đồng tình với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật ra cả khu vực ngoài nhà nước, các đối tượng là sĩ quan công an và sĩ quan quân đội; nhất trí với việc giao Thanh tra Chính phủ là cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập.
Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập là một trong những nội dung được Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đặc biệt quan tâm, bởi đây là điểm tiến bộ của Dự Luật.

Tuy nhiên, về vấn đề này, TS. LS Vũ Văn Tính (giảng viên Học viện Hành chính quốc gia) thẳng thắn chỉ ra rằng Dự Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) chưa tiếp cận với công nghệ 4.0. “Những đề xuất về cơ sở dữ liệu quốc gia đưa ra trong dự Luật là chưa đủ. Nếu để tình trạng này thì Luật sẽ rất nhanh lạc hậu, chỉ trong một thời gian ngắn ta lại phải sửa đổi”, TS Vũ Văn Tính nhấn mạnh.

LS Vũ Văn Tính gợi mở, các công cụ mới của công nghệ 4.0 sẽ giúp cho công tác phòng chống tham nhũng trở nên hiệu quả hơn. Big data, Blockchain sẽ giúp chúng ta quản lý các dữ liệu giao dịch về mua sắm công một cách công khai, minh bạch.

Ví dụ, Chính phủ Liên bang Úc thiết lập một trung tâm phân tích dữ liệu trực thuộc cơ quan thuế để theo dõi những người đóng thuế và đối chiếu dữ liệu để xác định những đối tượng trốn thuế. Trong những đối tượng đó, họ sẽ phát hiện ra ngay vì sao có những tài sản bất chính. Trên cơ sở đó, đặt vấn đề điều tra để xác định nguồn tài sản đến từ đâu.

Ngoài ra, ở Ngân hàng Thế giới có công nghệ vệ tinh để xác định các dự án được hoàn thiện theo đúng khung mẫu của nhà thầu hay không, nhất là các dự án lớn của Chính phủ, tránh tình trạng “rút ruột” công trình của các nhà thầu.
 TS. LS Vũ Văn Tính phát biểu tại hội nghị

TS Vũ Văn Tính cho rằng, Dự Luật mới chỉ đề cập đến việc kê khai tài sản, thu nhập để xác định tham nhũng hay không, trong khi đó còn rất nhiều hành vi khác cũng cần được nghiên cứu, rà soát lại. Ông Tính cũng gợi ý thêm các công cụ khai thác dữ liệu hiệu quả, có thể xác định được các dự án nào chỉ để đưa ra đấu thầu mang tính hình thức, mà “đấy chính cơ sở để xác định tham nhũng trong vấn đề mua sắm công”.

“Vì thế, Dự Luật phải có những điều chỉnh làm sao để sử dụng các nguồn dữ liệu Big data hiệu quả trong vấn đề phòng chống tham nhũng trong tương lai”, TS Vũ Văn Tính nêu.

Về vấn đề này, LS Đỗ Minh Sơn (Hội Luật gia TP Hà Nội) cho rằng, nên bổ sung các cách thức và hạn chế đối tượng có quyền truy cập để khai thác cơ sở dữ liệu, tránh xâm phạm vào các quy định của Hiến pháp.

Ngoài việc chú trọng hoàn thiện pháp luật, các đại biểu cũng lưu ý cần phải triển khai đồng bộ các giải pháp khác mới nâng cao được hiệu lực, hiệu quả trong công tác phòng, chống tham nhũng. Trong đó, cần lưu ý đến đổi mới công tác cán bộ, cải cách hành chính, tăng cường kiểm toán, thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực tài chính.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần