Luật sư đau đầu vì lệnh cấm nhập cảnh của ông Trump được khôi phục một phần

Lan Hương (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc Tòa Tối cao khôi phục một phần lệnh cấm nhập cảnh của Tổng thống Trump gây bối rối về việc thực thi và có thể dẫn đến nhiều vụ kiện tiếp theo.

Theo đó, Tòa án Tối cao quy định, lệnh cấm nhập cảnh vẫn được áp dụng với công dân 6 nước có đa số dân là người Hồi giáo nhưng loại trừ với những trường hợp chứng minh được quan hệ có thật (bona fide) với một cá nhân hay tổ chức tại Mỹ.
Nhiều người cho rằng, phán quyết mới nhất của Tòa Tối cao đã giảm bớt tính cực đoan khi sắc lệnh cấm nhập cư không áp dụng với những người có những quan hệ với nước Mỹ.
Phán quyết của Tòa Tối cao được xem như một chiến thắng hiếm hoi cho tổng thống Donald Trump. Sau phán quyết, ông Trump ca ngợi đây là một chiến thắng rõ ràng cho nền an ninh quốc gia.
 Lệnh cấm nhập cảnh của ông Trump được khôi phục một phần.
Tuy nhiên, Jeffrey Gorky - một cựu cố vấn luật cho Văn phòng thị thực của Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng, từ trước đến nay chưa có tiêu chuẩn về cái gọi là “quan hệ có thật”.
Ông Gorky cũng nói thêm, tiêu chuẩn này có thể gây hoang mang cho các nhân viên sứ quán để đưa ra quyết định cấp visa hay không và có thể cần một phiên tòa để xác định xem mối quan hệ nào đủ điều kiện là “quan hệ có thật” để được phép nhập cảnh vào Mỹ.
Trong phán quyết đưa ra hôm thứ Hai (26/6), tòa án Tối cao đã đưa ra một số ví dụ về “quan hệ có thật” như quan hệ gia đình, du học sinh, lao động tại các công ty Mỹ.
Tuy nhiên, Stephen Legomsky - Cố vấn chính cho Cục nhập cư và quốc tịch dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama cho rằng, tòa án sẽ phải xác định xem, việc một cá nhân đến thăm bạn hoặc tham dự một đám cưới có đủ điều kiện được nhập cảnh vào Mỹ hay không.
Một số luật sư cho rằng, việc mù mờ về tiêu chuẩn “quan hệ có thật” cho phép chính quyền Tổng thống Trump áp dụng tiêu chuẩn này theo nhiều cách.
“Việc này như là đèn xanh cho chính phủ muốn làm gì thì làm”, công tố viên về nhập cư ở Maryland Kiyanoush Razaghi nhận định. “Ai sẽ là người đưa ra khái niệm về quan hệ có thật?”, ông Razaghi đặt câu hỏi.
Trong khi đó, Giáo sư Stephen Vladeck của trường Luật, Đại học Texas lo lắng, tòa án ở Maryland và Hawaii - nơi đã đưa ra phán quyết chặn sắc lệnh của Tổng thống - sẽ nhận được hàng tá các vụ kiện xác định “quan hệ có thật” từ giờ đến khi Tòa Tối cao xem xét tính hợp pháp của sắc lệnh cấm nhập cảnh do Tổng thống Trump ban hành vào tháng 10 năm nay.