“Nóng” phần tranh luận việc Trịnh Xuân Thanh chối tội
Trình bày quan điểm bào chữa của mình đối với thân chủ là bị cáo Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP xây lắp Dầu khí - PVC) luật sư Nguyễn Văn Quynh cho rằng, thân chủ của mình không có lỗi cố ý nên đề nghị VKS xem xét lại một số nội dung cáo buộc chưa phù hợp.
Về cáo buộc Trịnh Xuân Thanh chỉ đạo bị cáo Vũ Đức Thuận - nguyên Tổng Giám đốc PVC ký Hợp đồng EPC số 33 trái quy định, luật sư Quynh cho rằng, bị cáo Thanh không có thẩm quyền yêu cầu ký hợp đồng. Bởi, theo điều lệ của PVC, việc đưa ra chủ trương chỉ đạo phải thông qua HĐTV. Trong khi đó, chủ thể Hợp đồng EPC số 33 là của chủ đầu tư PV Power. Từ đó, ông Quynh cho rằng, PV Power phải có nghĩa vụ và trách nhiệm đối với Hợp đồng số 33 đã ký.
Về cáo buộc cho rằng PVC không đủ kinh nghiệm và năng lực tài chính, luật sư Quynh cho biết, nhiều năm gần đây PVC làm ăn có lãi. Ngoài ra, khi bị cáo Thanh về lãnh đạo thì PVC có vốn hơn 500 tỷ đồng và sau khi tái cơ cấu năm 2011, vốn điều lệ của PVC đã lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh đó, luật sư Quynh cũng không đồng tình với cáo buộc bị cáo Thanh quanh co, chối tội. Theo luật sư Quynh cho biết, quá trình điều tra đều ghi âm và ghi hình. Trách nhiệm chứng minh hành vi phạm tội là của cơ quan điều tra. Khi lấy ví dụ về việc hoa hậu Phương Nga im lặng suốt quá trình điều tra mà chỉ khai báo lúc ra tòa, luật sư Quynh cho rằng, cáo buộc trên rất khiên cưỡng và không phù hợp với các quy định về suy đoán vô tội có lợi cho bị cáo Thanh....
Cùng quan điểm, luật sư Nguyễn Hồng Phúc cho rằng PVC là nhà thầu phải lệ thuộc chủ đầu tư, không chỉ đạo ngược lại PV Power. Bị cáo Trịnh Xuân Thanh không có quyền chỉ đạo Tổng giám đốc PV Power. Việc Tổng giám đốc PV Power không bị xem xét trách nhiệm có nghĩa Hợp đồng EPC số 33 không có hiệu lực, không phát sinh quyền và nghĩa vụ các bên. Nữ luật sư cho rằng trong trường hợp bị cáo Thanh chỉ đạo được lãnh đạo PV Power thì việc này cũng phát sinh hậu quả. Việc tạm ứng sau này thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư.
Theo cáo buộc của cơ quan tố tụng, bị cáo Nguyễn Anh Minh đã thực hiện chỉ đạo của Trịnh Xuân Thanh và Vũ Đức Thuận để cùng Lương Văn Hòa, Giám đốc Ban quản lý dự án Vũng Áng - Quảng Trạch, lập hồ sơ khống rút 13 tỷ đồng để chia nhau sử dụng cá nhân. Với số tiền này, Trịnh Xuân Thanh bị cáo buộc chiếm hưởng 4 tỷ đồng, Vũ Đức Thuận (nguyên Tổng giám đốc PVC) chiếm hưởng 800 triệu đồng, Nguyễn Anh Minh (nguyên Phó tổng giám đốc PVC) chiếm hưởng hơn 3,6 tỷ đồng, Bùi Mạnh Hiển (nguyên Chánh văn phòng PVC) chiếm hưởng 400 triệu đồng... Ngoài ra, Trịnh Xuân Thanh còn bị quy kết đã cùng một số bị cáo khác sử dụng chung khoản tiền 1,5 tỷ đồng.
Luật sư Nguyễn Quốc Hùng cho rằng ông Thanh có "chứng cứ ngoại phạm" về cáo buộc nhận 4 tỷ đồng. Theo luật sư, hôm sự việc xảy ra, thân chủ của ông bay đi TP Hồ Chí Minh lúc 16 giờ. Để kịp giờ, cựu Chủ tịch HĐQT PVC phải lên đường ra sân bay trước đó ít nhất 2 tiếng rưỡi. Tuy nhiên, lời khai lái xe của Nguyễn Anh Minh thể hiện lúc 14 giờ anh này chuyển tiền cho Trịnh Xuân Thanh thông qua lái xe riêng, theo luật sư là mâu thuẫn.
Cho rằng thân chủ không chỉ đạo lập hồ sơ khống để lấy quỹ chi đối ngoại, nhận hay sử dụng chung số tiền tham ô, luật sư đề nghị VKS xem xét, đánh giá lại việc quy kết hành vi của bị cáo Trịnh Xuân Thanh.
Luật sư: Ông Đinh La Thăng không “Cố ý làm trái”
Ngày 11/1, sau khi đại diện VKS đọc bản luận tội, luật sư Phan Trung Hoài (bào chữa cho bị cáo Đinh La Thăng). Bào chữa cho thân chủ của mình là bị cáo Đinh La Thăng, luật sư Nguyễn Huy Thiệp cho rằng, thân chủ của mình không thỏa mãn các dấu hiệu chủ quan, khách quan cấu thành tội “Cố ý làm trái...”. Luật sư Thiệp mong muốn được tranh luận với đại diện VKS về quy kết buộc tội thân chủ mình.
Theo luật sư Thiệp, trong vụ án này, sai phạm không ở chủ trương của HĐTV PVN về việc chỉ định thầu mà nằm ở việc thực hiện. Ông Thăng không phải đối tượng được điều chỉnh bởi Luật Đấu thầu, chủ thể nếu sai phạm xảy ra là chủ đầu tư và nhà thầu. Hành vi sai phạm là hành vi của người thực hành nhưng VKS lại quy kết cho người đứng đầu chịu trách nhiệm chính.
Đối với việc tạm ứng 1.312 tỷ đồng trái quy định cho PVC, luật sư Thiệp cho rằng các bị cáo khác không có lời khai nào thể hiện ông Thăng chỉ định ứng tiền cho PVC; ông Thăng chỉ yêu cầu có đủ thủ tục để chuyển tiền, không yêu cầu chuyển tiền khi đủ thủ tục.
Đưa ra phân tích trước tòa, luật sư Thiệp cho rằng: “Theo Bản kết luận giám định ngày 5/12/2017 của giám định viên tài chính, xác định: “Trước và sau ngày 9/9/2011, ngày 6/3/2012 PVN và Ban quản lý dự án Điện lực dầu khí Thái Bình 2 vẫn chưa có văn bản chính thức thu hồi tiền tạm ứng sử dụng không đúng mục đích theo quy định tại Khoản 6 Điều 17 Nghị định 48 của Chính phủ””… Như vậy, theo kết luận của Giám định viên thiệt hại này do không có văn bản thu hồi trên. Thời điểm trên, ông Đinh La Thăng đã không còn ở PVN nữa nên nếu có làm trái Khoản 6, Điều 17 Nghị định 48 thì cũng không thuộc trách nhiệm của Đinh La Thăng. Việc kết luận Đinh La Thăng chịu trách nhiệm hình sự và cả dân sự đối với khoản hơn 68 tỷ đồng này là không hợp lý.
Nhìn nhận và phân tích về vụ án, luật sư Nguyễn Huy Thiệp nhận định ông Thăng có vi phạm trong kiểm tra, đôn đốc, thực hiện các Nghị quyết của HĐTV liên quan chỉ định thầu, triển khai dự án và cho rằng, hành vi của thân chủ mình có dấu hiệu của tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” chứ không phải “Cố ý làm trái...”.
Thông tin từ Cục Thi hành án TP Hà Nội, chiều 11/1, thông qua gia đình, bị cáo Trịnh Xuân Thanh đã nộp thêm 2 tỷ đồng để khắc phục hậu quả. Tổng cộng, sau 2 lần bị cáo Thanh đã nộp đủ 4 tỷ đồng (số tiền mà cơ quan tố tụng cáo buộc Trịnh Xuân Thanh tội “Tham ô tài sản”). Ngoài Trịnh Xuân Thanh, nhóm bị cáo bị buộc tội “Tham ô tài sản” cũng đã nộp đủ tổng số tiền 13 tỷ đồng để khắc phục hậu quả. |