Luật sư “gỡ tội” cho Trịnh Xuân Thanh như thế nào tại phiên tòa?

Đạt Lê - Thiên Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại phiên xét xử, Trịnh Xuân Thanh và các luật sư của mình khẳng định số tiền 14 tỷ đồng ông Thanh bị cáo buộc gồm 90.000 tờ tiền, không thể đựng trong 2 thùng Lavi hoặc 1 vali nên cần thực nghiệm để điều tra tại tòa.

Đề nghị thực nghiệm điều tra... số tiền 14 tỷ đồng

Ngày 26/1, phiên tòa xét xử bị cáo Trịnh Xuân Thanh (nguyên chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP Xây lắp dầu khí Việt Nam - PVC) và 7 đồng phạm trong vụ án Tham ô tài sản xảy ra tại Công ty CP Bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVP Land) tiếp tục với phần tranh tụng.
Luật sư đề nghị Chủ toạ cho thực nghiệm điều tra về khoản tiền 14 tỷ đồng mà Trịnh Xuân Thanh bị cáo buộc tham ô. Ảnh: TTXVN

Cáo trạng đã cáo buộc Trịnh Xuân Thanh cùng 7 đồng phạm bán chênh giá cổ phần nắm giữ tại DN chủ đầu tư Dự án Nam Đàn Plaza để chiếm đoạt của nhà nước 49 tỷ đồng, trong đó ông Trịnh Xuân Thanh được chia 14 tỷ đồng. Theo luật sư Thu Hằng - bào chữa cho ông Trịnh Xuân Thanh - không có cơ sở khẳng định ông Thanh biết giá chuyển nhượng cổ phần là 52 triệu đồng/m2 đất khi ký nghị quyết đồng ý thoái vốn. Cụ thể, Tổng Công ty CP xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) - có văn bản thông báo kết luận của Chủ tịch HĐQT (ông Thanh) đồng ý cho chuyển nhượng cổ phần tại Công ty CP Bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam PVP Land.
Tuy nhiên, các văn bản này không thể hiện giá chuyển nhượng là 52 triệu/m2 đất - luật sư Thu Hằng nhấn mạnh. Việc Viện Kiểm sát (VKS) dựa vào các văn bản này để cáo buộc ông Thanh liên quan đến quyết định chuyển nhượng cổ phần với giá 34 triệu là không có căn cứ. Do đó, cần tuyên ông Thanh không phạm tội Tham ô tài sản.
Luật sư Nguyễn Quốc Hùng - bào chữa cho Trịnh Xuân Thanh khẳng định, hồ sơ vụ án và thẩm vấn tại tòa thì chỉ có bị cáo Thái Kiều Hương điều khiển hướng đi của đồng tiền. Nhưng với lời khai của bà Hương về việc ông Đặng Sỹ Hùng nhờ chuyển tiền cho Trịnh Xuân Thanh, thì lại không có lời khai nào của ông Hùng xác nhận nội dung này. Mặt khác, về lời khai của ông Đinh Mạnh Thắng lại mâu thuẫn với các sự kiện xảy ra. Theo đó, trong một số bút lục, ông Thắng khai cho 14 tỷ đồng vào 2 thùng giấy chuyển cho ông Thanh. Nhưng sau đó ông Thắng lại thay đổi, khai để tiền vào 2 túi rồi cho vào vali kéo chuyển cho lái xe của Trịnh Xuân Thanh. Sau đó, bà Hương đòi lại tiền do đã hỏng việc, ông Thắng nói đã hoàn trả số tiền nguyên đai nguyên kiện.
Tại tòa, Trịnh Xuân Thanh và luật sư bào chữa khẳng định số tiền 14 tỷ đồng ông Thanh bị cáo buộc gồm 90.000 tờ tiền, không thể đựng trong 2 thùng Lavie hoặc 1 vali. Do đó, luật sư đề nghị cho thực nghiệm ngay việc này để điều tra tại tòa. Luật sư Hùng nói: “Số lượng tờ tiền rất lớn (90.000 tờ), không thể cho vào 2 thùng carton đựng nước lavie hoặc một vali tiền. Tôi đồng tình việc này vì thời gian xét xử còn dài và điều kiện thực nghiệm không khó, có thể thực nghiệm ngay tại tòa để điều tra… Việc này là chứng cứ rất quan trọng trong việc chứng minh có hay không việc chuyển 14 tỷ đồng cho Trịnh Xuân Thanh”.
Từ đây, luật sư Hùng đặt câu hỏi liệu có chăng sự câu kết giữa bị cáo Hương và bị cáo Thắng để chiếm hưởng riêng số tiền này? Theo luật sư Hùng, đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bị cáo Trịnh Xuân Thanh vô tội vì không có chứng cứ nào thể hiện ông Thanh đã nhận 14 tỷ đồng.
Theo luật sư Nguyễn Văn Quynh - bào chữa cho ông Trịnh Xuân Thanh - trước thời điểm PVP Land chuyển nhượng cổ phần, thì PVN đã có chủ trương từ năm 2009 thoái vốn ở PV Power - DN thuộc PVN và nắm 28% vốn của PVP Land - trước khi chuyển cho PVC. Đến năm 2010, PVP Land chuyển giao về PVC và DN này tiếp tục thực hiện việc thoái vốn.
Luật sư Quynh khẳng định, cáo buộc bị cáo Thanh biết giá 52 triệu đồng/m2 của dự án Nam Đàn Plaza thì cũng không cũng không ảnh hưởng việc thoái vốn này. Vì PVC và Trịnh Xuân Thanh chỉ nắm 28% vốn của PVP Land nên không thể chi phối HĐQT của PVP Land trong việc thoái vốn tại Nam Đàn Plaza.
Luật sư: “Bị cáo Thanh không phải là chủ mưu”
Trước đó, ngày 25/1, luật sư Lê Văn Thiệp (bào chữa cho Trịnh Xuân Thanh) trình bày: Dự án Nam Đàn Plaza chỉ là một phần tài sản của DN, nếu quy việc bán quyền sử dụng đất là trái pháp luật, việc truy tố Trịnh Xuân Thanh là trái pháp luật. Thực chất PVP Land đã có dự án Nam Đàn Plaza từ trước, nhưng do hoạt động thua lỗ và thực hiện chủ trương tái cơ cấu của PVN nên mới chuyển về PVC.
Bị cáo Đinh Mạnh Thắng và Trịnh Xuân Thanh tại phiên tòa. (ảnh: TTXVN)

Việc chuyển nhượng diễn ra trước thời điểm PVP Land sáp nhập vào PVC. Không thể có việc bị cáo Trịnh Xuân Thanh chỉ đạo hay có ý kiến với tất cả các thành viên HĐQT. Nếu có ý kiến thì cũng chỉ có ý kiến với bị cáo Phong và Sinh. Không thể có chuyện 28% có thể chi phối lại 72%.
Bị cáo Đào Duy Phong đều khai báo nhận được chỉ đạo của Trịnh Xuân Thanh nhưng thông qua Thái Kiều Hương, bản thân Hương không phải thành viên HĐQT PVC hay PVP Land mà chỉ là cổ đông của Công ty Xuyên Thái Bình Dương và là Phó TGĐ Vietsan.
Theo Luật sư Thiệp, việc VKS cho rằng có sự bàn bạc, vậy tạo sao Đào Duy Phong có thể chấp nhận sự chỉ đạo thông qua người khác? Chỉ đạo của cấp trên ít nhất phải bằng văn bản, không thể có chuyện nhận chỉ thị thông qua người khác. Luật sư Thiệp trình bày: “Thân chủ tôi không hề biết, không bàn bạc và không hề tác động gì đến việc này. Trịnh Xuân Thanh chỉ đồng ý chủ trương thoái vốn theo quy định của pháp luật, còn thực hiện như thế nào thì Phong và Sinh phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”.
PVP Land thực ra không phải là DN Nhà nước vì cổ đông nhà nước không đủ tỷ lệ nắm giữ cổ phần chi phối từ 30% trở lên. Trong suốt quá trình chuyển nhượng họ đã tuân theo quy định của pháp luật. Vào thời điểm đó thị trường bất động sản đang đóng băng, việc họ quyết định thoái vốn là hoàn toàn đúng, DN có quyền chủ động trong sản xuất kinh doanh, nhà nước đã cho họ quyền này. Vậy tại sao lại có thể kết luận Trịnh Xuân Thanh chỉ đạo việc mua bán.
Đây là tài sản của DN nên PVP Land có quyền quyết định, họ bán tài sản theo quy định của pháp luật, không thể đánh tráo khái niệm giá trị đất 52 triệu đồng/m2 với giá trị cổ phần 13.500 đồng. Bán với giá bao nhiêu là quyền của DN.
Luật sư Lê Văn Thiệp nói: Để xác định rõ các hành vi trong vụ án này, việc cho tất cả các bị cáo chung tội Tham ô tài sản là không công bằng, không xác định được chủ mưu, không xác định được ai là người chỉ đạo đưa tiền. Trong trường hợp này thân chủ của tôi được xác định vai trò cao nhất là chủ mưu, nhưng bị cáo Thanh không phải chủ mưu. Còn bị cáo Đinh Mạnh Thắng chỉ là lợi dụng ảnh hưởng chức vụ và quyền hạn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần