Luật sư nhận định vụ chuyển sàn sang HNX: Ít khả thi và thiếu tầm nhìn trong quy hoạch

Minh Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngoài đề xuất nâng lô đang gặp phải tâm lý phản đối gay gắt từ các nhà đầu tư nhỏ, thì quyết định chuyển sàn của cơ quan quản lý cũng khiến không ít ý kiến băn khoăn, lo lắng.

Song hành với sự phát triển mạnh của thị trường chứng khoán (TTCK) thời gian qua, tình trạng nghẽn lệnh, "rút phích điện" đã liên tục xảy ra trên Sở giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) khiến nhà đầu tư búc xúc.
Ảnh minh họa
Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), khảo sát thực tế cho thấy, nhưng nguyên nhân chính của hiện tượng trên là do năng lực theo thiết kế của hệ thống giao dịch tại HOSE không đáp ứng được nhu cầu giao dịch tăng đột biến của thị trường. Ngoài giải pháp căn cơ là nâng cấp hệ thống, HOSE đang có ý định đề xuất nâng lô từ 100 cổ phiếu lên 1.000 cổ phiếu/lô. Ngoài ra, UBCKNN vừa có văn bản tạm thời chuyển giao dịch cổ phiếu niêm yết từ HOSE sang Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).

Trong khi đề xuất nâng lô đang gặp phải tâm lý phản đối gay gắt từ các nhà đầu tư nhỏ, thì quyết định chuyển sàn của cơ quan quản lý cũng khiến không ít ý kiến băn khoăn, lo lắng. Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị có cuộc phỏng vấn luật sư Hà Huy Phong - Giám đốc điều hành Công ty Luật Inteco về vấn đề trên.

Theo đó, luật sư Hà Huy Phong phân tích, sở giao dịch chứng khoán là cơ quan nhà nước cung cấp dịch vụ. Chọn sàn nào là quyền tự do của doanh nghiệp. Nên việc chuyển hay không là quyền của doanh nghiệp niêm yết. Vấn đề chuyển hay không là theo thỏa thuận dân sự của hai bên. Luật không quy định cụ thể. Thực tế thì văn bản của UBCKNN cũng nêu rõ: Doanh nghiệp có nguyện vọng chuyển giao dịch cổ phiếu niêm yết từ HOSE sang Sở giao dịch HNX phải có văn bản yêu cầu, kèm theo Nghị quyết của Hội đồng quản trị hoặc của Đại hội đồng cổ đông gửi cho 2 sở giao dịch trên.

Tuy vậy, luật sư Hà Huy Phong đánh giá, trên thực tế việc chuyển sàn "không khả thi". Bởi xét về mọi góc độ, HOSE vẫn được đánh giá cao hơn HNX. Doanh nghiệp lúc nào cũng muốn giao dịch trong thị trường lớn, tính thanh khoản cao để có thêm nhiều cơ hội. "Giao dịch trên sàn TP Hồ Chí Minh sôi động hơn. Tâm lý nhà đầu tư thôi...", Giám đốc điều hành Công ty Luật Inteco nói và nhận xét sẽ ít có doanh nghiệp "tự nguyện" xin chuyển.
Bên cạnh đó, luật sư Hà Huy Phong cũng chỉ rõ, trong vụ việc lần này cũng thể hiện vấn đề quy hoạch chiến lược TTCK Việt Nam của các nhà quản lý bộc lộ sự thiếu tầm nhìn. Đưa ra ví dụ về hình ảnh con đường quy hoạch 2, 3 làn xe, đến khi lượng phương tiện tăng đột biến gây ách tắc thì không thể đổ tại đơn vị quản lý khai thác được, mà phải là trách nhiệm của việc quy hoạch.
"Với đơn vị cung cấp dịch vụ, sàn giao dịch để nghẽn mạng cũng là trách nhiệm của sàn không đảm bảo chất lượng dịch vụ", Giám đốc điều hành Công ty Luật Inteco nói.

Cũng theo văn bản mới của UBCKNN, tạm thời chưa xem xét chuyển giao dịch đối với các cổ phiếu của các công ty hiện nằm trong bộ chỉ số VN30. Với quy định này, nhà đầu tư đăng băn khoăn, bởi các cổ phiếu giá thấp sẽ bị lựa chọn, vậy phải chuyển bao nhiêu mã chứng khoán mới đảm bảo đủ giảm tải cho HOSE?

Theo văn bản xin ý kiến các công ty chứng khoán trước đó của HNX, các cổ phiếu chuyển sàn được lập một bảng riêng khi giao dịch trên HNX nhưng vẫn giữ nguyên về biên độ, giao dịch như trên HOSE. Vậy các công ty chứng khoán cần phải có 1 khoảng thời gian tính bằng tháng để chỉnh sửa hệ thống. Câu hỏi đặt ra là lại tốn thêm chi phí, và sau 1 thời gian chuyển về HOSE thì như thế nào? Những câu hỏi đó đang đặt ra, và tiêu chí "tự nguyện" như văn bản của UBCKNN liệu có mấy công ty "đáp ứng" được!!!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần