Lùi thời hạn thông qua Dự án Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt: Dân chủ, khách quan trong quy trình làm luật

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuối tuần qua, cả Văn phòng Quốc hội và Chính phủ đã ra thông cáo về việc lùi thời hạn thông qua Dự án Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc, theo quy trình xem xét, thông qua tại 3 kỳ họp. Dư luận Nhân dân và nhiều ý kiến nhận định, việc này là sự thận trọng cần thiết, là bước tiến mới về dân chủ trong quy trình làm luật của Quốc hội.

 Một góc huyện đảo Vân Đồn, Quảng Ninh.
Trọng dân, nghiêm túc tiếp thu ý kiến
Theo thông cáo, sau khi tiếp thu ý kiến của các ĐB Quốc hội, các tầng lớp Nhân dân và cử tri, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thận trọng, cân nhắc nhiều mặt và thống nhất với Chính phủ chỉnh lý Dự án Luật theo hướng không quy định trường hợp đặc biệt thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh tại đặc khu có thể được kéo dài không quá 99 năm. Đồng thời, để tiếp tục hoàn thiện Dự án Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội cho phép xem xét, thông qua Dự án Luật này tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIV.

Khẳng định Dự Luật đã được xây dựng công phu, kỹ lưỡng, nhằm thể chế hóa nghị quyết của Đảng và cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, tạo cơ sở pháp lý để xây dựng 3 đặc khu, tạo cực tăng trưởng và thử nghiệm thể chế phát triển vùng có tính đột phá, có sức lan tỏa lớn, song Chính phủ cũng cho rằng, lùi thông qua Dự Luật để có thêm thời gian nghiên cứu, hoàn thiện. Bảo đảm Dự Luật đáp ứng được các yêu cầu, nguyện vọng của đại biểu và Nhân dân, xây dựng thành công 3 đặc khu, giữ vững an ninh - quốc phòng và chủ quyền quốc gia.
Việc Quốc hội và Chính phủ tiếp thu ý kiến của Nhân dân và lùi thời gian thông qua luật thể hiện Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã lắng nghe các ý kiến mang tính xây dựng chân thành của người dân, các hiệp hội và giới tri thức, chuyên gia. Trong thời gian tới, cơ quan soạn thảo và các Ủy ban của Quốc hội sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện Dự Luật đảm bảo yêu cầu đề ra. Chắc chắn với cách làm ấy, Luật sẽ đáp ứng được yêu cầu cần thiết cho sự phát triển và nguyện vọng của Nhân dân.
Đề xuất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ đã nhận được sự đồng tình của các ĐB Quốc hội vả cử tri. Đây là điều rất đáng ghi nhận trong quá trình đổi mới công tác xây dựng luật của Quốc hội, thể hiện đúng nghĩa tinh thần dân chủ, khách quan và quyết sách xuất phát từ ý chí và nguyện vọng của Nhân dân.

Nhiều ý kiến cho rằng, làm luật phải trên cơ sở tham khảo, lắng nghe các ý kiến một cách có trách nhiệm, không phải đưa ra rồi là quyết, nên việc người dân, cử tri quan tâm góp ý, tham gia luật là điều bình thường. Theo ĐB Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh), việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét một dự luật, với những điểm muốn đưa ra nhưng đại biểu Quốc hội, Nhân dân, cử tri góp ý nên sửa hay lùi lại, đề nghị xem xét kỹ hơn là hoàn toàn bình thường trong xã hội dân chủ. Việc sau khi đại biểu, người dân, cử tri có ý kiến, Chính phủ thống nhất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin lùi Dự Luật để hoàn thiện cho thấy quan hệ giữa cơ quan hành pháp, lập pháp rất tích cực và Nhà nước pháp quyền, dân chủ của chúng ta hoạt động hiệu quả. Trước thông tin trên, ĐB Nguyễn Mai Bộ (đoàn An Giang) cũng cho rằng, đây là sự thận trọng cần thiết. Chính phủ cần rà soát tổng thể cả về chính sách lẫn các vấn đề về đảm bảo quốc phòng, an ninh để khi luật ra đời thì điều chỉnh được trên mọi phương diện.

Theo ĐB Phạm Thị Minh Hiền (đoàn Phú Yên), ý kiến của Nhân dân trong góp ý, phản biện trong quá trình xây dựng luật và chính sách là rất quan trọng, nếu không sáng suốt nhận diện và đón nhận những ý kiến phản biện khoa học dẫn đến luật ban hành sai, không hài hòa lợi ích thì trách nhiệm đầu tiên chính là Quốc hội và từng đại biểu.
"Có những dự luật trình ra nhiều kỳ họp vẫn khiến dư luận "dậy sóng" đã làm cho nhiều đại biểu rất băn khoăn, nghi ngại trong việc tham mưu xây dựng luật. Tôi cho rằng đại biểu không thể cho phép mình bỏ qua những yêu cầu quan trọng trong quá trình tham gia xây dựng luật. Nếu xem nhẹ việc bấm nút, biết đâu sẽ gây ra nguy hại cho xã hội, cho đất nước" – ĐB bày tỏ.

Luật về đặc khu phải đặc biệt

Nhận định về dự luật về đặc khu, các ĐB đều khẳng định, Dự luật có mục tiêu đúng, là mong muốn thiết kế được một “phòng thí nghiệm về thể chế”, tạo ra sự đột phá cho sự phát triển như tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị. Tuy nhiên, nội dung của Dự Luật còn một số vấn đề cần phải tiếp tục đánh giá kỹ càng, tạo nhận thức chung, phù hợp với mô hình và đặc điểm của nước ta.

Theo ĐB Bùi Văn Xuyền (Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Quốc hội), tại các đặc khu môi trường kinh doanh phù hợp thông lệ quốc tế, đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư là điều quan nhất và Chính phủ cũng đã xác định môi trường đầu tư là quan trọng nhất. Với mục đích xây dựng luật là để các đặc khu tương lai có thể cạnh tranh được với các đặc khu khác xung quanh và ở khu vực châu Á, Quốc hội và Chính phủ cũng xác định phải sửa đổi luật cho phù hợp với từng giai đoạn. Bởi bản chất của kinh tế là diễn biến, thay đổi rất nhanh, nhất là trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Do đó, các quy định của luật cũng sẽ được sửa đổi cho phù hợp trong quá trình thực hiện.
 
ĐB Bùi Sỹ Lợi (đoàn Thanh Hóa): Phải có nhiều chính sách vượt trội

Vấn đề cần chú trọng khi phát triển các đặc khu này là phải có chế tài quy định để quản lý. Cử tri băn khoăn, việc giao quyền cho người đứng đầu rất lớn, có thể vượt quá thẩm quyền, chính vì vậy phải gắn trách nhiệm cao hơn. Dự Luật là mong muốn của các địa phương. Tuy nhiên, đã là đặc khu trọng điểm phải có nhiều chính sách vượt trội như an sinh xã hội vượt trội, đặc biệt phải thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao và thu hút được các nhà đầu tư có sức mạnh để thúc đẩy phát triển đặc khu.
Cho rằng, việc cấp có thẩm quyền quyết định lùi thông qua dự Luật là cơ hội để "lấy ý kiến rộng rãi, chuẩn bị kỹ lưỡng hơn", ĐB Đỗ Thị Lan (đoàn Quảng Ninh) cũng cho rằng: Nội dung Dự Luật chưa thể hiện được nhiều cơ chế vượt trội, kể cả chính sách ưu tiên cũng như bộ máy quản lý. Nếu không có cơ chế vượt trội thì đặc khu sẽ bình thường như những đơn vị hành chính khác, trong khi theo kết luận trước đây của cấp có thẩm quyền về việc xây dựng đặc khu, ở đây phải có cơ chế đủ sức cạnh tranh toàn cầu, thu hút đầu tư của các tập đoàn quốc tế có tiềm lực.

Với quan điểm các vấn đề cần phải đánh giá kỹ, trước hết là mô hình đặc khu, ĐB Lê Thanh Vân (Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội) cho biết: Đến nay, thế giới đã trải qua 3 thế hệ của mô hình đặc khu: Cảng tự do sơ khai, các đặc khu kinh tế mở và đặc khu kinh tế hướng vào các giá trị lõi. Ở thế hệ thứ hai, do bối cảnh kinh tế thế giới, khu vực còn bị khép kín nên rất cần mở cửa với các ưu đãi vượt trội, hấp dẫn, lôi kéo mọi nguồn lực. Ngày nay, kinh tế thế giới, khu vực đã thay đổi theo hướng mở với các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới. Do vậy, vấn đề cốt tử là môi trường đầu tư chứ không phải là các ưu đãi. Với việc xây dựng các “đặc khu” đặt ra ở dự luật lần này, chúng ta phải xác định rõ những nhu cầu chiến lược cần thu hút đầu tư như công nghệ cao, công nghệ vượt trội.

Nhiều ĐB cũng thể hiện quan điểm tới đây, cần có nghiên cứu cụ thể và nếu cần thiết thì xin ý kiến Nhân dân theo quy định của Luật Trưng cầu ý dân. Với một số vấn đề nhạy cảm, phải xin ý kiến từng ĐB Quốc hội trước khi trình Quốc hội xem xét, quyết định. Đảm bảo tính đột phá của chính sách và khi đưa vào thực hiện sẽ phát huy ngay tác dụng, không tạo ra tiềm ẩn rủi ro về mặt chính sách.
 
ĐB Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội): Ý nghĩa thành lập 3 đặc khu rất lớn

Việc thành lập 3 đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc là cần thiết. Vì ý nghĩa của việc hình thành các đặc khu là rất lớn, không chỉ khai thác tiềm năng, phát triển riêng 3 nơi này, mà còn tạo ra động lực lan tỏa cho các vùng khác. Cùng với đó là thực hiện cơ chế, chính sách mới, trong đó có thể chế bộ máy hành chính. Nhưng cũng chính vì ý nghĩa lập 3 đặc khu rất lớn mà chúng ta cần thận trọng, chặt chẽ ngay từ khâu xây dựng luật.