Lũng Vỵ ngóng nước sạch

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đã nhiều năm nay, người dân các thôn, xóm thuộc xã Đông Phương Yên (huyện Chương Mỹ) v...

Kinhtedothi - Đã nhiều năm nay, người dân các thôn, xóm thuộc xã Đông Phương Yên (huyện Chương Mỹ) vẫn phải sử dụng nguồn nước từ giếng khơi, giếng khoan. Điều đáng nói, nguồn nước này được đánh giá là không đảm bảo chất lượng và đang ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của người dân nơi đây.

Bệnh tật vì nước ô nhiễm

Người dân làng Lũng Vỵ (xã Đông Phương Yên) không còn lạ với việc nguồn nước bị ô nhiễm. Dường như họ đã quen với chuyện có người trong làng không may qua đời vì bệnh ung thư. Dù vậy, mỗi khi nhắc tới hậu quả nghiêm trọng của nó, nhiều người vẫn không giấu được bức xúc. Trưởng thôn Lũng Vỵ - ông Phan Ngọc Kiên cho biết, trong thôn cá biệt có những gia đình có 4 - 5 người cùng mắc bệnh ung thư. Như hộ ông Đỗ Văn Chất: Bản thân ông bị ung thư vòm họng (đã qua đời). Hiện, 4/5 người con của ông cũng đang chịu chung số phận. Thống kê của Trạm Y tế xã Đông Phương Yên cho thấy, trong vòng 3 năm qua (từ năm 2011 - 2014), toàn xã có 27 người chết vì ung thư. Riêng tại thôn Lũng Vỵ, trong năm 2014 đã có tới 6 - 7 người chết vì ung thư gan, phổi, đại tràng, máu, vòm họng...

 
Nguồn nước tưới tiêu không đảm bảo chất lượng, ảnh hưởng tới đất sản xuất nông nghiệp của người dân thôn Lũng Vỵ.
Nguồn nước tưới tiêu không đảm bảo chất lượng, ảnh hưởng tới đất sản xuất nông nghiệp của người dân thôn Lũng Vỵ.
Theo người dân nơi đây, nguyên nhân gây nên ung thư nhiều khả năng là do nguồn nước sinh hoạt, phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn bị nhiễm hàm lượng lớn các hóa chất độc hại. Cụ thể, trên địa bàn xã Đông Phương Yên và một số xã lân cận có một số cơ sở sản xuất mây tre đan truyền thống, cùng nhiều cơ sở sản xuất thực phẩm, đồ uống đang hoạt động. Các đơn vị này xả nước thải ra hệ thống kênh, mương nội đồng, gây ảnh hưởng tới nguồn nước ngầm và nước cấp phục vụ tưới tiêu, sản xuất nông nghiệp của người dân thôn Lũng Vỵ. Đặc biệt, phải kể tới nước thải từ một nhà máy sản xuất thép. Dù nhà máy này hiện đã được di dời đi nơi khác, nhưng hậu quả lâu dài của nguồn nước xả thải bị ô nhiễm trong nhiều năm về trước vẫn đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới nguồn nước sinh hoạt nơi đây.

Một điểm đáng lo ngại khác, theo ông Nguyễn Văn Trụ - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Đông Phương Yên, hiện số người bị ung thư không chỉ tăng số lượng, mà đang ngày càng… “trẻ hóa”(?). Đó là chưa kể số người bị nghi mắc ung thư nhưng không có điều kiện đi xét nghiệm vì chi phí đắt đỏ. Ngoài bệnh ung thư, nhiều người dân trong thôn Lũng Vỵ còn thường xuyên bị mắc các chứng bệnh ngoài da như dị ứng, mẩn ngứa, nấm vẩy…    

Mong chờ nước sạch

Toàn thôn Lũng Vỵ hiện có khoảng 400 hộ dân sinh sống với trên 2.000 nhân khẩu. Nhiều năm qua, nguồn nước mà người dân nơi đây sử dụng vẫn là nước giếng khơi và giếng khoan. Những gia đình có điều kiện thì mua bể lọc, hoặc tự thiết kế bể lọc nước, còn không thì… “có sao dùng vậy”. Trưởng thôn Lũng Vỵ Phan Ngọc Kiên cho biết thêm, nhiều hộ trong thôn muốn dùng nước giếng khoan, nhưng khi tiến hành khoan thăm dò tại nhiều điểm đều gặp phải vị trí có đất sú. Theo đó, nước bơm lên có màu đen, vẩn đục, không thể sử dụng được. Đã có một số đoàn về khảo sát, thu thập, phân tích mẫu nước sinh hoạt tại xã, nhưng rồi… mọi thứ “đâu vẫn hoàn đó”. Nước sạch cho người dân thì chưa có, mà số người mắc bệnh thì vẫn ngày một tăng thêm.

Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Phương Yên Trần Văn Tiến cho biết, toàn xã có 7 thôn thì có 2 thôn Lũng Vỵ và Yên Kiện người dân đang phải sử dụng nguồn nước chưa đạt tiêu chuẩn. Xã đã kiến nghị lên huyện về vấn đề nước sạch cho người dân, nhưng đến nay vẫn chưa được đáp ứng. Thực tế, trên địa bàn huyện Chương Mỹ đã có dự án cấp nước sạch cho người dân, nhưng xã Đông Phương Yên lại không thuộc diện được thụ hưởng. Vì vậy, rất mong các cấp chính quyền xem xét, mở rộng mạng lưới cấp nước sạch để người dân trong xã được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, đảm bảo cuộc sống.

 
Cùng với trên 2.000 người dân làng Lũng Vỵ, gần 1.000 hộ dân với khoảng 6.000 nhân khẩu ở làng Thống Nhất, xã Đông Lỗ (huyện Ứng Hòa) cũng đang gặp phải vấn đề tương tự với nước sạch. Đây cũng là 2 trong tổng số 10 “làng ung thư” trên cả nước có nguồn nước bị ô nhiễm nặng nhất, dựa theo kết quả của dự án “Điều tra, tìm kiếm nguồn nước hợp vệ sinh phục vụ cấp nước sinh hoạt cho một số “làng ung thư” của Việt Nam” do Bộ TN&MT công bố mới đây.