Lương giáo viên, khéo co… mới ấm

Chia sẻ Zalo

KTĐT - "Những giáo viên "trơn", giáo viên môn "phụ", hay nói chung, đại đa số giáo viên không làm thêm được ngoại trừ hưởng lương đành phải sống… mòn như giáo Thứ của Nam Cao mà thôi", đó là nhận định của Phó Giáo sư Văn Như Cương, Hiệu trưởng trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh Hà Nội trong cuộc trò chuyện với báo Kinh tế & Đô thị về thực tế đời sống giáo viên hiện nay.

Vẫn là…ba cọc, ba đồng
 
- Nâng cao đời sống cho giáo viên là vấn đề luôn đi kèm với nâng cao chất lượng giáo dục và được Bộ GD&ĐT nhắc đi nhắc lại nhiều lần, nhưng chưa giải quyết được. Đã gắn bó rất nhiều năm với nghề, ông nhận định thế nào về thực trạng lương, đời sống của giáo viên hiện nay?
 
Thực tế ai cũng thấy rằng, lương ba cọc, ba đồng của đại đa số giáo viên hiện nay là không đủ sống cho bản thân họ. Cách đây 50 năm, khi tôi tốt nghiệp ĐH, lương giáo viên là 74 đồng/tháng, ăn sáng chỉ mất có 1 hào, ăn uống bình thường mất 5 xu, con cái gửi nhà trẻ của trường... Lương không cao, nhưng so với bây giờ quả thực là sướng hơn. Bây giờ nếu ở Hà Nội, một giáo viên trẻ chưa lập gia đình có "thắt lưng, buộc bụng" cũng phải chi phí hơn 2 triệu đồng/ tháng. Còn giáo viên đã có gia đình, con cái, kể cả 4 - 5 triệu đồng chi tiêu tằn tiện lắm cũng mới đủ cho một tháng. Tôi đã từng nói vui rằng, để sống được bằng lương, các thày cô giáo phải biết cách ăn, cách mặc sao cho phù hợp với túi tiền và một điều hết sức quan trọng là hãy cố gắng giữ gìn sức khỏe bằng cách sống điều độ và thanh đạm. Cương quyết "nói không" với đau ốm, bệnh tật…, "nói không" với bệnh viện, với bác sĩ,với thuốc men… Nếu không "nói không" như thế thì khó mà sống bằng lương. Cơ chế thị trường cũng tạo ra cơ hội cho một số giáo viên thu nhập hàng chục triệu đồng/tháng. Nhưng những giáo viên các môn "phụ", hay nói chung, đại đa số giáo viên không làm thêm được chỉ biết trông chờ vào lương mà thôi.
 
- Một vị Giám đốc Sở GD&ĐT cũng phải thốt lên rằng, để giáo viên chuyên tâm với nghề, không có cách nào khác là phải nâng cao đời sống giáo viên?
 
Ông Giám đốc ấy nói rất đúng với thực tế. Đồng lương chưa đủ đồng nghĩa với việc nhiều giáo viên phải đi dạy thêm, luyện thi, làm các công việc khác ngoài giờ lên lớp... Khi họ phải bận tâm quá nhiều vào chuyện cơm áo thì không thể hi vọng vào những cải tiến, sáng tạo, tự học... Đã vậy, cường độ đứng lớp ở các bậc học từ 16 - 20 tiết/tuần, rất căng thẳng, về đến nhà còn phải soạn bài, chấm bài đến tận khuya... Sự tâm huyết không thể bền lâu nếu miếng ăn hàng ngày không đủ. Nói cách khác, phải "tự cứu lấy mình" thì khó mà tâm huyết lắm.
 
 
- Bộ GD&ĐT đã từng đưa ra một đề án về tăng lương cho giáo viên nhưng đến nay, đề án này vẫn chưa được thực hiện. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
 
Đó là một đề án "cho vui" mang rất nhiều yếu tố ảo. Mấy năm trước, các nhà giáo phấn khởi khi Bộ GD&ĐT tuyên bố "năm 2010 giáo viên có thể sống bằng lương của mình". Tuy vậy, có người tin, có người không tin… Tôi nhớ trong kỳ họp Quốc hội trước, một đại biểu đã chất vấn Bộ GD&ĐT về giáo viên sống được bằng lương, và Bộ đã trả lời: So với năm 2006, tiền lương giáo viên năm 2010 đã tăng lên gấp 2,1 lần. Ví dụ, một giáo viên tốt nghiệp ĐH ra trường năm 2010 có mức lương 2.306.000 đồng. Nếu có thâm niên 10 năm, mức lương là 3.300.000 đồng. Tôi từng nói đùa, nếu theo Bộ thì chúng ta có thể cố mà sống bằng đồng lương của chính mình, chứ không phải bằng lương của… ai khác. Nhưng thực tế đã qua hơn nửa năm 2011 rồi, đời sống giáo viên lại bị giảm sút vì giá cả đồng loạt tăng một cách chóng mặt. Nhưng mà đó là tình trạng chung của những người ăn lương theo kiểu ba cọc ba đồng, từ xưa đến nay vẫn thế, và chắc là sau này cũng thế.
 
Chống lãng phí để tăng lương
 
- Bây giờ thí sinh chọn ĐH Sư phạm chỉ bởi một điều đơn giản vì không phải đóng học phí. Nhưng sau đó, chính những cử nhân sư phạm ấy cũng không mấy mặn mà với nghề giáo. Có phải bởi lương không đủ sống?
 
Lương cũng là một phần, hơn thế nữa, sinh viên sư phạm ra trường thường rất khó kiếm được việc làm. Muốn có việc làm phải "chạy". Mà cái món tiền để "chạy" đâu có nhỏ, có thể đến trăm triệu như chơi. Nếu phải bỏ ra ngần ấy tiền mới có việc làm, thì khi có việc rồi phải kiếm cách để hoàn vốn… Một nỗi buồn lớn của ngành giáo dục là phong trào chạy: chạy trường, chạy lớp, chạy điểm, chạy bằng, chạy việc… Chính vì vậy mà số người muốn "làm thầy" ngày càng giảm. Sự cần thiết cấp bách là ngành giáo dục phải tự làm sạch mình. Chúng ta rất cần nước sạch, rau sạch, thực phẩm sạch…, và cố nhiên rất cần một nền giáo dục sạch, nếu không muốn nói là "trong suốt".
 
- Theo ông, có nên tạo điều kiện cho các trường mở rộng hoạt động để cải thiện nguồn thu nhập, tăng lương cho giáo viên?
 
Hoàn toàn không nên làm thế. Cần bỏ ngay cái cách tuyển sinh thêm ngoài chỉ tiêu và thu học phí cao hơn. Cần rà soát lại việc các trường ĐH mở các lớp học từ xa, thu tiền để tăng thu nhập. Vì chất lượng các lớp học này rất thấp, học là đậu, là có bằng…
 
- Vậy nếu khẳng định rằng tăng lương giáo viên, cải thiện chế độ cho đội ngũ nhà giáo là một trong những biện pháp cải thiện nền giáo dục, thì phải bắt đầu từ đâu?
 
Hiện đầu tư cho giáo dục là khoảng 20% ngân sách Nhà nước, thế là nhiều, không thể đòi hỏi hơn. Nhưng với ngân sách ấy vẫn có thể "khéo ăn thì no, khéo co thì ấm". Chính ngành giáo dục chúng ta lãng phí quá nhiều vào những việc không đâu, nặng về hình thức không thiết thực… Ngay như gần đây, khi Bộ GD&ĐT đưa ra dự thảo đề án đổi mới chương trình và SGK phổ thông với con số 70.000 tỉ đồng. Trong đó, chỉ có 1,5% dành cho việc đổi mới chương trình và SGK mà thôi, còn chủ yếu dành cho cơ sở vật chất và thiết bị dạy học, thế mới kì lạ! Một trong những thứ lãng phí của ngành giáo dục là phải có thiết bị dạy học, phải mua về trường để mà đắp chiếu… Trường nào mà không mua đủ thiết bị dạy học theo qui định sẽ mất thành tích, không đạt chuẩn… Nên theo tôi, để nâng cao đời sống cho giáo viên, nên bắt đầu bằng việc chống lãng phí. Thực hành tiết kiệm là có thể tăng lương cho giáo viên.
 
-Xin cảm ơn Phó Giáo sư!
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần