Lương hưu giáo viên mầm non: Nên điều chỉnh lại!

Trần Oanh (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chuyện cô giáo mầm non nhận lương hưu 1,3 triệu đồng/tháng ở Hà Tĩnh vẫn chưa hết những bàn tán trong dư luận về sự bất công với nhà giáo.

 
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, Viện trưởng Viện Chính sách và quản lý (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) Giang Thanh Long cũng cho rằng, Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ, đồng thời điều chỉnh mức đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) và mức hưởng cho giáo viên.
Vấn đề giáo viên mầm non nghỉ hưu nhận lương 1,3 triệu đồng/tháng, thậm chí thấp hơn mức này, đang làm "nóng" nghị trường Quốc hội. Ông có ý kiến gì về mức lương này?

- Theo giải thích của BHXH Việt Nam, việc đóng - hưởng lương hưu được thực hiện theo quy định của pháp luật. Về mặt nguyên tắc, Nhà nước đã thiết kế đóng BHXH bao nhiêu thì sẽ hưởng bấy nhiêu theo công thức quy định. Do đó, đóng thấp, chắc chắn sẽ hưởng lương hưu thấp. Vì thế, với những đối tượng tham gia BHXH có mức đóng thấp, các DN và Nhà nước nên hỗ trợ đóng một phần cho họ. Thực tế lại có người nhận lương hưu lên tới hàng chục triệu đồng mỗi tháng. Điều này hoàn toàn hợp lý về quy định pháp luật bởi họ đóng cao, hưởng sẽ cao. Nhưng theo tôi, cần phải cải cách phương thức tính đóng – hưởng hợp lý.

Do lịch sử để lại, tới đây sẽ có nhiều trường hợp hưởng mức lương hưu như cô giáo ở Hà Tĩnh. Nhà nước cần có chính sách gì để hỗ trợ những người này đảm bảo mức sống tối thiểu?

- Vì quỹ BHXH đang trong quá trình chuyển đổi với nhiều nhóm đối tượng có thời gian đóng và mức tham gia khác nhau, nên với cách tính hiện nay sẽ có không ít người hưởng lương hưu thấp. Việc bù đắp cho những người có mức hưởng quá thấp chính là một phần trách nhiệm của quỹ bảo hiểm và ngân sách Nhà nước trong quá trình chuyển đổi này. Tuy nhiên, về mặt lâu dài, tôi cho rằng phải thiết kế ngay lại hệ thống hưu trí để những việc đó không xảy ra. Muốn làm được như thế, ngay từ bây giờ, Nhà nước nên điều chỉnh mức đóng phù hợp với mức hưởng mà mình dự kiến. Hiện nay, quy định mức đóng cho quỹ hưu trí và tử tuất mới chỉ là 22% tiền lương nhưng người tham gia có thể hưởng 75% (ngay cả khi nền đóng và hưởng là một) thì rất vô lý và không có hệ thống hưu trí nào trên thế giới làm như vậy. Để điều chỉnh mức đóng – hưởng phù hợp, cần phải có lộ trình, từng bước một, chứ không thể thực hiện một lần là xong. Cái khó là cân đối quỹ, đóng – hưởng nhưng vẫn phải cố gắng đảm bảo mức tối thiểu cho người về hưu.

Theo ông, Nhà nước nên hỗ trợ thêm cho những trường hợp nhận lương hưu 1,3 triệu đồng bao nhiêu tiền?

- Thời điểm này, những người có nền lương hưu dưới mức sống tối thiểu thì Nhà nước hỗ trợ, điều chỉnh cho họ được hưởng mức ngang bằng lương tối thiểu vùng để bảo đảm an sinh xã hội. Việc này cần phải tính toán, thống kê cụ thể có bao nhiêu người rơi vào trường hợp đó để cân đối tài chính. Nếu số trường hợp hưởng lương hưu thấp quá lớn thì cần xác định ưu tiên hỗ trợ những đối tượng đang thực sự khó khăn. Việc này đòi hỏi cả hệ thống chính trị - xã hội phải vào cuộc.

Nhiều người so sánh sự quá chênh lệch giữa cách tính lương giáo viên, đặc biệt là những người dạy mầm non với lực lượng công an, quân đội. Ông có quan điểm gì?

- Rất khó để chúng ta nói nghề nào trong xã hội quan trọng hơn. Nghề nghiệp nào cũng có sự vất vả và đóng góp cho xã hội. Thực sự đang có sự khác biệt trong tiền lương giữa các ngành nghề. Trong thời gian tới, tùy điều kiện hoàn cảnh, cần phải điều chỉnh mức tiền lương phù hợp. Còn nếu cứ tính theo thâm niên, hệ số, trình độ... thì có thể có những nhóm lao động rất khó cải thiện được tiền lương – cơ sở quan trọng để đóng bảo hiểm và hưu trí sau này – vì không có điều kiện học tập để nâng cao trình độ.

Xin cảm ơn ông! 

Trước bất cập về cách tính lương hưu của giáo viên, ông Hoàng Đức Minh - Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD&ĐT cho biết, sẽ kiến nghị cải tiến, hoàn thiện chế độ lương và chế độ phụ cấp ưu đãi cho nhà giáo theo hướng khắc phục những bất cập hiện có.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần