Lương hưu phải lấy từ đóng góp của thế hệ trẻ chia cho thế hệ già

Hồ Hạ ghi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bên hành lang Quốc hội sáng 29/5, chia sẻ với báo chí, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho hay, Việt Nam là một trong số những nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trên thế giới.

Theo Tư lệnh ngành LĐTB&XH, dân số của Việt Nam bắt đầu chuyển từ thời kỳ dân số vàng sang dân số già và giai đoạn dân số già bắt đầu từ năm 2014. 
Bộ trưởng lấy dẫn chứng: “Khoảng những năm 2000, mỗi năm có 1,2 triệu người bước vào tuổi lao động. Nhưng đến bây giờ, người bước vào tuổi lao động chỉ có 400.000 người/năm. Như hiện nay, chúng ta già hóa khoảng 7% số người từ 60 tuổi trở lên”.
Cũng theo người đứng đầu Bộ LĐTB&XH: “Để chuyển tỷ lệ già hóa dân số từ 7% lên 14% như một số nước phát triển thì phải mất 100 năm. Hàn Quốc và Thái Lan chỉ mất 20 năm, còn Việt Nam, dự báo chỉ mất tối đa 15 năm. Như vậy cho thấy, Việt Nam là một trong số những nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trên thế giới hiện nay”.
 Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH bên hành lang Quốc hội.
Bên cạnh đó, độ tuổi lao động của Việt Nam hiện nay (nam 60, nữ 55) đã được quy định từ những năm 1961 (tức là gần 60 năm trước). Khi đó, bình quân tuổi thọ của Việt Nam mới đạt trên 45 tuổi. Hiện nay, bình quân tuổi thọ của Việt Nam đã đạt 76,6 tuổi. Đặc biệt, tuổi thọ bình quân của nữ giới là 79 tuổi (trong khi tuổi nghỉ hưu chỉ 55). Việt Nam là một trong những nước có tuổi thọ cao trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Cũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, xét ở khía cạnh đảm bảo ổn định bảo hiểm xã hội, hiện nay thời gian đóng bảo hiểm của nam và nữ nhìn chung là thấp. Người lao động đóng bảo hiểm bình quân 20 năm, nhưng hưởng lương sau nghỉ hưu rất dài.
Trong khi đó, các quốc gia trên thế giới, mức lương hưu của người sau độ tuổi lao động chỉ khoảng 30 – 45% bình quân lương, nhưng ở Việt Nam, người hưởng cao nhất là 75% bình quân lương, (còn bình quân là 70%).
“Như vậy , nếu một người đóng bảo hiểm xã hội trong 28 năm, thì chỉ đủ cho họ hưởng lương hưu trong 10 năm. Hơn 9 năm còn lại phải lấy từ đóng góp của thế hệ sau chia sẻ cho thế hệ già. Do đó, muốn cân bằng, ổn định quỹ bảo hiểm thì điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là việc cần thiết”, Bộ trưởng nói.
Để đảm bảo quyền của người lao động, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: “Chúng tôi phải thiết kế chính, sách thậm chí có những người nghỉ hưu ở tuổi 50. Chẳng hạn lao động nặng nhọc mà suy giảm sức khỏe thì có thể nghỉ sớm hơn nữa. Hoặc là họ có thể nghỉ hưu khi đóng đủ bảo hiểm”.
“Vì vậy, không có nghĩa là bắt người lao động cứ đủ tuổi lao động, đủ năm đóng bảo hiểm thì được nghỉ hưu. Hiện Chính phủ đang rà soát toàn bộ những ngành nghề, lĩnh vực, công việc nặng nhọc độc hại để kèm theo Bộ Luật này là phải có danh sách ngay. Ví dụ, riêng về lĩnh vực than, hầm lò, chúng tôi đang quy định 24 lĩnh vực nghỉ hưu sớm hơn”, Bộ trưởng cho biết.
Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung khẳng định: “Không có chuyện người già tranh chấp chỗ của người trẻ, quan chức giữ ghế này để làm việc. Chúng ta tính là tính cho tương lai, cho thế hệ sau. Nếu không điều chỉnh tuổi nghỉ hưu có nghĩa là chúng ta truyền gánh nặng cho thế hệ sau”.
Bộ trưởng cũng cho rằng, những đối tượng, lực lượng lao động có trình độ cao, ngành nghề đặc biệt như tòa án, kiểm sát, Giáo sư, Phó Giáo sư thì chúng ta phải khuyến khích họ làm suốt đời.
Bộ trưởng nhấn mạnh: “Phải hiểu một cách đầy đủ sự cần thiết của tăng tuổi nghỉ hưu và đến lúc này không thể không điều chỉnh tuổi nghỉ hưu”. “Nhìn sang các nước nếu đến năm 2035, chúng ta không điều chỉnh tuổi nghỉ hưu thì đến năm 2035, Việt Nam sẽ rơi vào tình trạng già hóa dân số như Nhật Bản hay một số nước hiện nay”- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.