Lương tối thiểu tăng 6,5%: Chưa đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quyết định tăng lương tối thiểu (LTT) năm 2018 mức 6,5% của Hội đồng tiền lương Quốc gia, đại diện Tổng liên đoàn lao động Việt Nam (TLĐ) cho rằng, không cải thiện được cơ bản đời sống của người lao động (NLĐ).

Nhưng, lại có ý kiến, NLĐ  phải khẳng định mình để có lương trung bình.
Cải thiện phần nào
Với mức tăng 6,5%, theo ông Vũ Quang Thọ - Viện trưởng Viện Công nhân – công đoàn Việt Nam – TLĐ thì mới đáp ứng được khoảng 93% nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ. Như vậy, vẫn còn khoảng 7% nữa, mức tiền LTT mới đuổi kịp nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ. “Không cải thiện được cơ bản đời sống của công nhân lao động nhưng cứ tăng lương là NLĐ có lợi. Bởi hiện có tới 40% công nhân lao động được TLĐ khảo sát cho biết phải chi tiêu hết sức tằn tiện, tiết kiệm mới có thể đảm bảo nhu cầu sống ở mức thấp. Chỉ có trên 8% NLĐ có tích lũy được 500.000 đồng – 1 triệu đồng/tháng. Những người này làm ở các tổng công ty, tập đoàn như Dầu khí, Hàng không, Bưu chính viễn thông”. TS Nguyễn Hữu Dũng – nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội, Bộ LĐTB&XH cũng đồng quan điểm cho rằng, mức tăng 6,5% sẽ tác động tích cực đến tăng thu nhập và góp phần nhất định vào cải thiện đời sống của NLĐ. Nhưng, mức cải thiện sẽ thấp hơn so với mức tăng lương 7,3% của năm 2017 và con đường đạt mục tiêu tiền LTT tiếp cận mức sống tối thiểu vào năm 2018 sẽ bị kéo dài ra.

May áo xuất khẩu tại Công ty CP may 10. Ảnh: Thanh Hải

Trao đổi về câu chuyện tăng LTT năm 2018, đứng trên quan điểm của chủ sử dụng và NLĐ, ông Thái Chung – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Xây dựng công trình văn hóa cho rằng, mức 6,5% là phù hợp. Nếu mức tăng ít quá, trong một thời điểm nhất định sẽ tháo gỡ khó khăn cho DN nhưng NLĐ lại bị thiệt thòi về thu nhập và đóng bảo hiểm. Nếu phương án tăng nhiều hơn mức 6,5%, NLĐ có lợi còn DN lại thiệt thòi. Vì thế đây là mức hài hòa giữa hai bên. Và: “Dù tăng 8, 9 hay 13,3%, thực chất cũng không đảm bảo mức sống tối thiểu cho NLĐ. Tăng lương thì NLĐ vẫn phải đi làm thêm, nếu không sẽ chẳng sống nổi’ – ông Thái Chung nhận định. Ông Quang Thọ cũng đồng tình với ý kiến này bởi: “NLĐ muốn có thu nhập tăng thì phải làm thêm. Mặc dù TLĐ không ủng hộ NLĐ làm thêm nhiều nhưng trong điều kiện bất đắc dĩ chúng tôi vẫn phải đồng ý. Có những khảo sát của chúng tôi, công nhân đe dọa sẽ đình công nếu không được làm thêm”.
Muốn đủ sống phải làm thêm
Một vấn đề được ông Dũng lưu ý, mức tăng LTT 6,5% là cơ sở để đại diện NLĐ và chủ sử dụng đàm phán thỏa thuận, điều chỉnh thỏa ước lao động tập thể với mức tăng tiền LTT của DN năm 2018 không thấp hơn ngưỡng này. Thỏa thuận này vẫn có thể đạt được mức tăng thêm 6,5%, thậm chí cao hơn, nhưng DN có thể điều chỉnh giảm (cắt bớt tiền thưởng, ăn giữa ca, hỗ trợ đi lại,…) nếu đại diện NLĐ ở DN không quyết liệt. Đối với DN làm ăn hiệu quả, phần tăng thêm tiền LTT sẽ không khó khăn nhiều. Song, chi phí tăng, nhất là tiền đóng bảo hiểm xã hội lớn hơn trước thì khả năng cạnh tranh của DN có thể giảm, lợi nhuận không tăng nhiều. Vì thế, rất cần DN phải cơ cấu lại công việc sản xuất, kinh doanh.
Để hài hòa và chia sẻ giữa hai bên, theo Phó Trưởng phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Hoàng Quang Phòng, NLĐ cần phát huy các sáng kiến, kỹ thuật để góp phần tăng năng suất lao động. Tuy nhiên, ông Thái Chung không đồng tình về việc này. Bởi những người đủ năng lực để có sáng kiến, sáng tạo trong công việc chiếm số lượng rất ít trong tổng số NLĐ. Cho dù NLĐ có sáng kiến, chắc gì đã được ông chủ chấp nhận. Hơn nữa, hiện nay, gần như NLĐ đang bán sức lao động của mình cho các chủ sử dụng. Và, giới chủ luôn là những người cải tiến công nghệ, quy trình để tăng năng suất cũng như cải thiện chất lượng lao động. Vì thế, trong giai đoạn tiền LTT chưa đáp ứng đủ nhu cầu mức sống tối thiểu, NLĐ vẫn phải sắp xếp công việc để đi làm thêm ở bên ngoài hoặc ngay chính DN mình đang làm việc.
Ở một khía cạnh khác, để góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, nhiều chủ sử dụng thực hiện sàng lọc lao động bằng cách sa thải những người không làm được việc. Họ sẵn sàng chấp nhận trả mức lương cao hơn trung bình để giữ lại những lao động có tay nghề, cùng một lúc làm được mấy công việc. Vì thế, khi NLĐ chỉ biết bán sức lao động cho chủ sử dụng và họ cũng hoàn toàn không có định hướng trong công việc (nay làm thợ xây, mai làm thợ may, sữa chữa máy…) đã không còn phù hợp trong giai đoạn hiện nay. Do vậy, NLĐ cần phải nhận thức để nỗ lực, phấn đấu, xác định rõ tính chuyên nghiệp cho mình. 
“Tiền LTT chỉ là mức sàn thấp nhất để bảo vệ lao động yếu thế. Đích phấn đấu của NLĐ phải là tiền lương trung bình. Nếu lương trung bình cao thì thu nhập của NLĐ sẽ tăng. Khi LTT tăng nhiều quá, mà lương trung bình không cải thiện thì không còn khả năng thương lượng giữa chủ sử dụng và đại diện NLĐ. Điều này đồng nghĩa với NLĐ không còn động lực để phấn đấu làm việc có năng suất, hiệu quả” .
Tống Thị Minh - Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và tiền lương, Bộ LĐTB&XH

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần