Mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 đã được xem xét trên mọi khía cạnh

Thuỷ Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước những ý kiến của ngành dệt may, da giày đề nghị không tăng lương tối thiểu vùng 1, 2 năm để DN lấy lại sức, Hội đồng tiền lương quốc gia khẳng định: Mức tăng 6,5% năm 2018 đã được xem xét trên mọi khía cạnh, phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội.

Chiều 9/10, tại cuộc họp tổng kết năm 2017, Hội đồng tiền lương quốc gia cho biết: Phương án tăng lương năm 2018 lên 6,5% đã tính đến điều kiện việc làm, thất nghiệp, sản xuất, kinh doanh của các DN vẫn còn khó khăn, nhất là lĩnh vực thủy sản, dệt may, da giày. 
 Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Đặc biệt, trong bối cảnh năm 2017 - 2018 thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội và các khoản bổ sung khác, mức độ ảnh hưởng đến chi phí sản xuất của DN (dự báo tăng bình quân khoảng 0,55 - 0,6%, trong đó ngành dệt may, da giày tăng 1,15 - 1,2%). Đồng thời, từng bước đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của người lao động (dự kiến đảm bảo khoảng 92 - 96%), góp phần tạo thuận lợi cho các DN trong sản xuất, kinh doanh... “Mức tăng này một phần cải thiện đời sống của người lao động yếu thế và đã được cân nhắc khả năng chi trả của DN”, bà Tống Thị Minh - Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và Tiền lương, Bộ LĐTB&XH khẳng định.

Vừa qua, nhiều ý kiến đặt vấn đề có cần thiết quy định mức lương tối thiểu tại Việt Nam hay để người lao động và chủ sử dụng thỏa thuận. Lại có ý kiến cho rằng, tăng lương tối thiểu cao hơn mức tăng năng suất lao động làm mòn sức cạnh tranh của DN và nền kinh tế. Tuy nhiên, Hội đồng tiền lương quốc gia khẳng định lương tối thiểu vẫn rất cần thiết và cần tiếp tục được thực hiện.

Thứ nhất bởi, theo thống kê của Tổ chức lao động quốc tế, đến nay đã có 193 quốc gia, vùng lãnh thổ duy trì hệ thống lương tối thiểu và sử dụng như những công cụ quan trọng để điều tiết thị trường lao động để bảo vệ những người lao động dễ bị tổn thương.

Điều 91, Bộ luật lao động quy định cần phải có lương tối thiểu. Bởi vì: “Căn cứ vào nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, điều kiện kinh tế - xã hội và mức tiền lương trên thị trường lao động, Chính phủ công bố mức lương tối thiểu vùng trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng tiền lương quốc gia”.

Như vậy, lương tối thiểu chỉ là sàn thấp nhất do Nhà nước công bố để bảo vệ lao động yếu thế có được một mức sống tối thiểu và được căn cứ vào nhiều yếu tố. Trong đó, năng suất lao động chỉ là một yếu tố cần lưu ý khi xác định mức lương tối thiểu hàng năm.

Thực tế, có những năm do CPI tăng cao, (thậm chí 11,75% năm 2010, 18,13% năm 2011) nên để đảm bảo tiền lương thực tế của lương tối thiểu Chính phủ đã phải điều chỉnh lương tối thiểu cao hơn, trong khi năng suất lao động chỉ tăng 3,5 - 4%.

Theo Hội đồng tiền lương quốc gia, trong một phạm vi nhất định của DN, mức lương tối thiểu còn là sự sẻ chia giữa những người có lương cao (chuyên môn kỹ thuật cao, có năng suất cao) bù đắp cho những người có mức lương thấp (yếu thế, trình độ, năng suất).

Vấn đề đặt ra là Việt Nam cần có các giải pháp để nâng cao năng suất lao động. Từ đó mới có điều kiện và dư địa để tăng tiền lương, thu nhập thực tế cho người lao động, cải thiện đời sống nhân dân. Lúc đó, người lao động sẽ có thêm động lực để gắn bó với công việc, làm việc có năng suất, hiệu quả, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần