Lưu ý cho thai phụ, chăm con nhỏ mắc lao

Nam Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - So với các đối tượng khác, phụ nữ mắc lao trong khi mang thai hoặc nuôi con gặp nhiều trở ngại hơn, nhất là bệnh có thể lây cho thai nhi và phần lớn thuốc điều trị lao không tốt cho trẻ.

 Ảnh minh họa
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cứ mỗi năm 1 triệu phụ nữ mắc lao tử vong và phần lớn đang trong độ tuổi sinh đẻ. Bác sĩ Vũ Thị Hạnh Nguyên - Khoa Lao phổi, Bệnh viện Phổi T.Ư cho biết, với phụ nữ mang thai, đang cho con bú, thể trạng có nhiều đặc biệt, sự thay đổi của nội tiết tố, sự xuất hiện của nội tiết tố nhau thai làm cho một số cơ quan tăng cường chuyển hóa các chất… kéo theo tổ chức phổi mềm hơn, làm vi khuẩn lao dễ dàng hoạt động. Ngoài ra, khi mang thai và đang cho con bú, cơ thể người phụ nữ dễ bị suy giảm hệ miễn dịch tự nhiên, thiếu hụt dinh dưỡng… là nguyên nhân khiến đối tượng này dễ mắc bệnh hơn.

Cũng theo bác sĩ Vũ Thị Hạnh Nguyên, ở giai đoạn đầu, bệnh thường có triệu chứng dễ nhầm lẫn với có thai như chán ăn, mệt mỏi… Tuy nhiên ngoài triệu chứng kể trên, bệnh lao còn có những triệu chứng khác với dấu hiệu khác như sốt nhẹ về chiều, ho khạc đờm, đau tức ngực…

Sau khi sinh con, sản phụ có thể mắc các thể lao nặng như lao kê, lao màng não… Các thể lao này có triệu chứng hay gặp như sốt cao kéo dài, triệu chứng này dễ nhầm với sốt sót rau hoặc sốt hậu sản. Các bác sĩ khẳng định, căn bệnh này không chỉ khiến cơ thể người mẹ chịu ảnh hưởng mà còn có thể “tấn công” đến thai nhi, trẻ nhỏ. Bệnh có thể lây qua thai nhi, trẻ nhỏ. Nhất là nguy cơ lây bệnh từ khi trẻ là bào thai, được gọi là lao bẩm sinh khiến việc điều trị sẽ rất khó khăn. “Hiện nay, các bác sĩ vẫn điều trị theo phác đồ chuẩn của Bộ Y tế cho những bệnh nhân có thai hoặc đang cho con bú… Tuy nhiên, theo phác đồ này, nhóm đối tượng kể trên có thể gặp nhiều trở ngại do thuốc có thể ảnh hưởng đến em bé, suy giảm miễn dịch…” - bác sĩ Nguyên nói.

Theo khuyến cáo của bác sĩ Nguyên, các bà mẹ cần hạn chế tiếp xúc hoặc phải cách ly con nếu kết quả xét nghiệm dương tính với các thể lao. Ở phụ nữ có thai dưới 3 tháng đầu, khi chụp X quang phổi hay những bộ phận khác để xác định tổn thương lao, bệnh nhân phải che vải chì lên bụng để hạn chế nguy cơ dị tật bẩm sinh.

Ngoài ra, một số thuốc trị lao sẽ tiết ra sữa mẹ, qua nhau thai gây độc thai nhi nên bác sĩ sẽ chọn thuốc cẩn thận cho nhóm đối tượng này. Song, bệnh nhân nên lưu ý về giờ dùng thuốc. Thông thường, giờ uống thuốc lao tầm 9 - 10 giờ nên bệnh nhân có thể vắt sữa trước giờ uống thuốc để hạn chế tối đa nguy cơ ảnh hưởng thuốc tiết qua sữa.

Các bà mẹ cũng cần chú ý dinh dưỡng, ổn định tâm lý và nghỉ ngơi thích hợp để tăng cường đề kháng, giảm bớt tác dụng phụ của thuốc, tăng hiệu quả điều trị.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần